QUẢNG CÁO

Tin tức

Còn tình trạng coi nhẹ đánh giá tác động môi trường

“Đại đa số các địa phương đã không còn coi nhẹ công tác đánh giá tác động môi trường và thực hiện rất nghiêm túc… Tuy nhiên đúng là đôi lúc, đôi nơi vẫn có lúc nọ lúc kia”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Dương Tùng thừa nhận.
Kết quả hình ảnh cho đánh giá tác động môi trường
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Chất lượng báo cáo dần tốt lên
- Thưa ông, mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam Nguyễn Khắc Kinh “tiết lộ”: “Mức độ tin cậy của các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) ở Việt Nam hiện nay thực sự rất có hạn”. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

“Trong quá trình sản xuất, có những công nghệ mới, những vấn đề mới thì không thể dự báo được hết ngay từ đầu mà phải dần điều chỉnh. Thêm nữa, trên thực tế, có nhiều vấn đề môi trường mà không phải ai làm công tác tư vấn, thẩm định ĐTM cũng biết hết vì gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Dương Tùng.
- Đánh giá tác động môi trường là dự báo về những ảnh hưởng của môi trường có thể xảy ra khi lập dự án. Dự báo phụ thuộc vào các số liệu quan trắc, đo đạc ở từng địa điểm với những công nghệ sản xuất cụ thể. Do vậy, đã là dự báo thì không thể chính xác được 100%. Đương nhiên, những năm đầu khi thực hiện ĐTM thì chất lượng các bản báo cáo cũng có mặt này mặt nọ, nhưng hiện đã dần tốt lên ở cả cấp trung ương và địa phương.
- Vậy ông lý giải thế nào về tình trạng có những dự án, quy hoạch phát triển kinh tế, du lịch… đã vấp phải phản ứng của dư luận, mà nguyên nhân là do chưa đánh giá hết tác động môi trường thời gian qua?
- Thực ra, chất lượng các bản báo cáo ĐTM phụ thuộc nhiều vào trình độ của đơn vị tư vấn cũng như chủ đầu tư dự án. Yêu cầu cuối cùng khi thực hiện ĐTM là không được làm ô nhiễm, xả thải vượt quá quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có những công nghệ mới, những vấn đề mới thì không thể dự báo được hết ngay từ đầu mà phải dần điều chỉnh. Thêm nữa, trên thực tế, có nhiều vấn đề môi trường mà không phải ai làm công tác tư vấn, thẩm định ĐTM cũng biết hết vì gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ.
- Điều đó đồng nghĩa chúng ta buộc phải chấp nhận có những bản báo cáo  ĐTM chỉ là “cho có”, thưa ông?
- Tôi không nghĩ vậy. Có thể vì lý do này nọ, ở giai đoạn nào đó mà người ta chưa xem hết những tác động tới môi trường vì tính phức tạp, tính sẵn có của dữ liệu mà thôi. Hiện nay, đòi hỏi của xã hội cũng khiến đội ngũ này càng nhận thức được trách nhiệm tốt hơn trong thực hiện ĐTM, buộc họ phải làm tốt lên.
Không nhiều dự án như FLC Hạ Long
- Có ý kiến cho rằng, một số địa phương vì áp lực thu hút đầu tư mà xem nhẹ công tác ĐTM. Ông nghĩ sao?
- Nhìn chung, nhận thức và trách nhiệm của các địa phương về công tác ĐTM đã được nâng cao. Đại đa số các địa phương đã không còn coi nhẹ công tác này và thực hiện rất nghiêm túc. Thêm vào đó, thực tế nhiều chủ đầu tư dự án đã tuân thủ chặt chẽ công tác ĐTM. Bởi họ nhận thấy sau đó còn có công tác thanh tra, kiểm tra, nếu như làm không đúng thì buộc phải dừng dự án, ảnh hưởng đến lợi ích của chính họ.
- Vậy vì sao lại có tình trạng dự án khi triển khai buộc phải dừng để làm lại báo cáo ĐTM, như dự án FLC Hạ Long mới đây chẳng hạn?
- Sở dĩ có tình trạng này là đôi lúc, đôi nơi vẫn có lúc nọ lúc kia song con số này không nhiều. Quan trọng là chúng ta đã nhìn ra và đều có phát hiện kịp thời để xử lý.
- Để xảy ra tình trạng tương tự như dự án FLC Hạ Long buộc phải dừng thi công để làm lại báo cáo ĐTM, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
- Dĩ nhiên, trách nhiệm này trước hết thuộc về hội đồng thẩm định, đơn vị tư vấn làm báo cáo ĐTM, sau đó là các bên liên quan khác theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
Vũ Thủy thực hiện
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=390845

Không có nhận xét nào