Công nghệ số giúp phát triển nhanh và bền vững hơn
Bên cạnh lợi ích của mình, các tập đoàn công nghệ lớn cần phát huy trách nhiệm cộng đồng, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển, qua đó giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế, dân tộc nghèo. Đây là nhắn nhủ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo công bố Báo cáo phát triển thế giới 2016 với chủ đề “Lợi ích số” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 14.3, tại Hà Nội.
Phát huy trách nhiệm cộng đồng
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công nghệ số đã góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức người,… Đặc biệt là giúp từng người, nhất là nhóm người hay bị thua thiệt, yếu thế cũng được chia sẻ, thụ hưởng, đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại. Vì vậy, cần phải tìm mọi cách để phát triển công nghệ số. Bên cạnh đó, kiểm soát những mặt trái của công nghệ số do người sử dụng tạo nên.
![]() Toàn cảnh Hội thảo công bố |
Theo đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam rất chú trọng đưa ra chủ trương, chính sách để phát triển công nghệ số. Việt Nam coi công nghệ thông tin là công cụ đặc biệt để giúp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Phó thủ tướng nhắn nhủ, các tập đoàn công nghệ số lớn trong và ngoài nước bên cạnh lợi ích của mình, cần phát huy trách nhiệm cộng đồng để tạo hệ sinh thái cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin có điều kiện phát triển, giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế, dân tộc nghèo. Điều này thể hiện rõ nhất là giá thành và độ thuận tiện các dịch vụ mà các doanh nghiệp mang lại. Theo đó, người dân, người sử dụng cần tìm cách tiếp cận công nghệ trong mọi công việc, bởi việc nào cũng có thể ứng dụng công nghệ thông tin.
Lợi ích số -tiềm năng chưa được khai thác hết
Để thực hiện đầy đủ cam kết phát triển trong thời đại số, WB đề xuất hai hành động chính: xoá bỏ khoảng cách số bằng cách làm cho internet phổ cập, giá rẻ, mở và an toàn; tăng cường quản lí nhà nước nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đào tạo nghề cho người lao động theo đòi hỏi trong nền kinh tế mới cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình thể chế.
|
Báo cáo “Lợi ích số” của WB cho biết, công nghệ số đã thúc đẩy hoà nhập, hiệu suất, và đổi mới sáng tạo. Trên 40% người trưởng thành tại Đông Phi trả tiền điện nước bằng điện thoại di động. Hiện có 8 triệu doanh nhân Trung Quốc, trong đó 1/3 là nữ, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán hàng trong nước và tới 120 nước khác. Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng số cho gần 1 tỉ người trong vòng 5 năm, qua đó tăng cường tiếp cận dịch vụ công và giảm tham nhũng. Trong ngành y tế cũng đã ứng dụng dịch vụ nhắn tin SMS để nhắc bệnh nhân HIV uống thuốc đúng giờ rất hiệu quả...
Tuy vậy, hiện nay 60% dân số thế giới vẫn nằm bên lề nền kinh tế số. Trên thế giới vẫn còn 6 tỷ người không sử dụng băng thông rộng, 4 tỷ người không có Internet, 2 tỷ người không có điện thoại di động, 0,4 tỷ người không nằm trong vùng phủ sóng.
Báo cáo Lợi ích số của WB khuyến nghị, ưu tiên cấp bách hiện nay là phổ cập Internet và giữ chi phí sử dụng ở mức vừa phải. Năm 2013, giá dịch vụ điện thoại di động tại đất nước đắt nhất cao gấp 50 lần nước rẻ nhất. Phí băng thông rộng cũng chênh lệch 100 lần. Lý do chính ở đây là thất bại chính sách, ví dụ tư nhân hóa không thành công, đánh thuế quá cao, kiểm soát độc quyền các cổng quốc tế…
Báo cáo cũng cảnh báo, các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ tương tự sẽ giành được kết quả tương xứng, nước nào không làm như vậy sẽ bị tụt hậu. Công nghệ, nếu không đi kèm với một nền tảng vững chắc, sẽ mang lại rủi ro và tạo ra phân cực kinh tế, tăng cường bất bình đẳng, và nhà nước chuyên chế.
Tin và ảnh: Tự Cường
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=369793
Không có nhận xét nào