QUẢNG CÁO

Tin tức

Phát triển kinh tế cửa khẩu tại Cao Bằng: Đột phá bằng hướng đi táo bạo

Sau nhiều năm kiên trì với mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu, Cao Bằng bước đầu đã thu về những kết quả đầu tiên. Đó là định vị thương hiệu cho Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang, đồng thời hình thành “thói quen” thông quan cho nhiều mặt hàng nông sản chiến lược như gạo, heo, hoa quả… ngay tại đây. 

Bách Sắc đang triển khai tuyến tàu chuyên dùng (đông lạnh) vận chuyển rau quả từ Bách Sắc lên Bắc Kinh với lưu lượng có thể đạt 6 triệu tấn/năm, rút ngắn thời gian lưu kho hàng hóa nông sản, giải quyết áp lực nguồn cung về rau quả tươi của miền Bắc trong mùa đông. Do vậy như cầu thông quan nhanh từ Việt Nam sang là hợp lý. Đây cũng là bước khởi đầu cho chiến lược đẩy nhanh xây dựng Khu thí điểm mậu dịch tự do hàng nông sản Trung Quốc - ASEAN, tạo điều kiện cho việc giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng 

Thắp lửa cho Trà Lĩnh

Cuối năm 2016, Trạm kiểm soát liên hợp của Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh được khánh thành, đi vào sử dụng với không gian rộng rãi và trang thiết bị hiện đại. Cùng với kim ngạch XNK (chính ngạch) đạt hơn 46,7 triệu USD, tăng trưởng 9,68%, đây là niềm vui nhân đôi của Trà Lĩnh. Kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất hơn 242,5 triệu USD; thu thuế XNK 137,8 tỷ đồng, tăng trưởng 60,4%; thu phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu 37,7 tỷ đồng, tăng trưởng 13,96% so với cùng kỳ năm 2015. Đó đều là những con số biết nói. Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang được xác định hoạt động theo mô hình hai khu riêng biệt trên lãnh thổ của 2 nước, có sự trao đổi, thỏa thuận về cơ chế, nhằm bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, bảo đảm tính tương thích với nhau về hạ tầng cơ sở cứng và hạ tầng mềm giữa hai bên.

Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng Lê Thành Chung chia sẻ, cái được lớn nhất là biên mậu Cao Bằng bắt đầu “có tiếng” trên thị trường giữa hai quốc gia. Bằng chứng là Cao Bằng thu hút nhiều hơn số nhà đầu tư trong và ngoài nước, bước đầu góp phần làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế tại địa phương, thúc đẩy một số ngành sản xuất phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách nhà nước. Từ thị trấn Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh) vào khu vực biên mậu, có thể thấy hàng quán san sát, một loạt nghề mới như cửu vạn, xe ôm, chạy giấy tờ… đang đem lại thu nhập khá cho bà con người dân tộc nơi đây. Dịch vụ ăn nghỉ phục vụ cánh tài xế lưu trú qua đêm mọc lên, làm không hết việc. Hiện thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc - đối tác chiến lược của Cao Bằng đang cung cấp 30% tổng lượng hàng nông sản của Trung Quốc, tiêu thụ đến hơn 200 thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải... Chính vì vậy, cửa khẩu Trà Lĩnh ngày càng nhộn nhịp hơn và được xem là trọng tâm phát triển XNK những mặt hàng này.

Chỉ cần 20% lượng hàng hóa xuất khẩu từ thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) sát thành phố Bách Sắc đi qua Trà Lĩnh - Cao Bằng về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), thì kinh tế tỉnh Cao Bằng sẽ có những bước chuyển đáng kể, ông Chung phân tích. Nhà nước chỉ đóng vai trò “bà đỡ” cho thị trường. Còn trên nền tảng thương mại và thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp sẽ là người quyết định cuộc chơi của kinh tế biên giới trong tương lai.
[​IMG]
Xe container chờ làm thủ tục tạm nhập, tái xuất tại Cửa khẩu Trà Lĩnh; Ảnh: Lê Tùng 


Bước đi táo bạo

Theo ông Lê Thành Chung, tỉnh Cao Bằng và thành phố Bách Sắc rất trăn trở với phương thức vận hành Khu hợp tác kinh tế qua cửa khẩu. Hiện cơ chế, chính sách còn phải chờ Chính phủ hai nước xem xét, quyết định. Trong thời gian chờ đợi, hai bên thỏa thuận sẽ kết nối các DN có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm kinh doanh XNK hàng hóa để thực hiện ký kết hợp đồng kinh doanh hàng hóa nông sản, hải sản dần theo hình thức kinh doanh thương mại quốc tế. Với mục tiêu nêu trên, tỉnh Cao Bằng đã huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau để tập trung đầu tư cho Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng số tiền đến nay khoảng 400 tỷ đồng. Đã có 7 DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 5 DN được giao đất xây dựng kho, bãi và 2 DN hoàn thành việc đầu tư một phần kho bãi, được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung và kho ngoại quan để đưa vào khai thác.

Được biết phía Bách Sắc đã bắt tay vào đề án xây dựng cửa khẩu Long Bang thành trung tâm nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, hiện đang tập trung đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại quốc tế. Đó là gợi ý không tồi để Cao Bằng chuẩn bị cho mình những bước quan trọng trong hợp tác. “Chúng tôi đã đi tham quan và được tư vấn nhiều cho bước xây dựng một cửa khẩu mới. Và Tỉnh ủy và chính quyền đã quyết định lựa chọn phương án giao dịch thương mại điện tử làm bước đi đột phá cho Trà Lĩnh. Nếu Trà Lĩnh cứ “đuổi” theo Móng Cái (trung tâm công nghiệp dệt may, công nghiệp), Lạng Sơn (đồ điện gia dụng, hàng điện tử) thì không tài nào bắt kịp. Vì vậy Trà Lĩnh phải có hướng đi mới.”

Dự kiến, sàn giao dịch hàng nông sản qua Trà Lĩnh - Long Bang sẽ có các Chi nhánh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tương lai là Đà Nẵng. Thông qua sàn giao dịch này, các doanh nghiệp hai bên tự lựa chọn nhà cung cấp, nhà thầu và dịch vụ logistics. “Chúng tôi nhận thức rằng, riêng với hàng nông sản, thời gian thông quan càng rút ngắn thì càng tốt. Thương mại điện tử có thể thỏa mãn những yêu cầu trên, đồng thời nâng cao sự công khai, minh bạch trong mọi khâu của thương mại biên giới”.

Lê Tùng 
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=82&NewsId=389777

Không có nhận xét nào