QUẢNG CÁO

Tin tức

Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường ở địa phương có biển: Cần nghiêm túc thực hiện

Đã gần hai năm kể từ khi QH thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhưng đến nay mới chỉ có 9 địa phương thiết lập được hành lang bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, còn lại hầu hết chưa thực hiện, nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, vì thế chưa được ngăn chặn.
Ảnh minh họa nguồn Internet

Ít địa phương thực hiện
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Ngọc Sơn cho biết, thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, đến nay Lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị chủ trì tập trung xây dựng để trình cấp có thẩm quyền 9 văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, Tổng cục còn hoàn thiện, chỉnh sửa 4 văn bản thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản biển chuyển tiếp từ năm 2013 để trình Bộ ban hành; đóng góp ý kiến đối với 86 dự thảo văn bản liên quan, bảo đảm về nội dung và thời hạn yêu cầu.
Đặc biệt, Tổng cục cũng đã xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm tình hình thực hiện các dự án, nhiệm vụ thuộc Đề án Tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển (Đề án 47); báo cáo tình hình thực hiện Đề án 47; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho Kỳ họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; xây dựng dự toán kinh phí hoạt động năm 2017 của Ban Chỉ đạo nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển; đôn đốc các bộ, ngành triển khai các dự án thuộc Đề án 47. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý còn không ít khó khăn, chưa chuyển biến tích cực. Điều này dẫn tới việc rất ít địa phương tổ chức nhiệm vụ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn. Theo thống kê, hiện chỉ có 9/28 tỉnh thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, còn lại hầu hết chưa thực hiện, sử dụng tràn lan, không theo quy hoạch, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái.
Quy hoạch sử dụng biển
Trước thực trạng trên, tại hội nghị “Đánh giá công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn phát triển mới” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, nhiều đại biểu nhận định: Gần đây, chất lượng môi trường biển đang bị chi phối rất mạnh bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, nhất là ở khu vực ven bờ. Do đó, biển phải được quy hoạch theo không gian một cách hợp lý. Quy hoạch sử dụng biển là một trong những công cụ hết sức quan trọng nhằm định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam. ThS. Lê Thành Chung, Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Việc khai thác và bảo vệ khu vực ven biển có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng quốc gia, vì vậy, công tác quản lý quy hoạch khu vực ven biển, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đất đai dự án ven biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Đánh giá ở khía cạnh khác, Cục trưởng Cục kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo Nguyễn Đức Toàn cho rằng: Để vùng bờ luôn sôi động trong phát triển kinh tế và duy trì được chức năng hệ sinh thái, môi trường trong lành và bảo đảm an sinh xã hội cần đẩy nhanh việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quản lý tốt hành lang bảo vệ bờ biển sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi cố ý lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các cơ quan liên quan sớm hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch sử dụng biển để tiến hành thực hiện quản lý tổng hợp. Bên cạnh đó đề nghị các địa phương có biển cần nghiêm túc thực hiện thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường. Tập trung ưu tiên các nhiệm vụ cụ thể, cho các dự án cụ thể như xác định mức triều cường, triều kiệt; quan tâm kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa Trung ương và địa phương. Điều tra, quan trắc, giám sát, quản lý chặt chẽ môi trường tại một số khu vực ven biển, nơi tập trung hoạt động của khu công nghiệp có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường cao từ các hoạt động xả thải, hoặc một số khu vực có môi trường nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nhất là đào tạo ứng dụng chuyển giao công nghệ, lực lượng chủ lực để thực hiện những nhiệm vụ Chiến lược về biển trong giai đoạn tới.  
PHƯƠNG ANH Nguồn: 
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=83&NewsId=391979

Luật số 82/2015/QH13 của Quốc hội : LUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Thuộc tính văn bản
Số/Ký hiệu82/2015/QH13
Ngày ban hành25/06/2015
Ngày có hiệu lực01/07/2016
Người kýNguyễn Sinh Hùng
Trích yếuLUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
Cơ quan ban hànhQuốc hội
Phân loạiLuật
Tệp đính kèm:82.signed.pdf (3383358 Byte)

Không có nhận xét nào