QUẢNG CÁO

Tin tức

Những đột phá cần có trong phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp

Phát triển các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) là chủ trương lớn, nhất quán và đúng đắn của Việt Nam trên con đường CNH-HĐH nền kinh tế gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và các mục tiêu quốc gia khác... Nhiều thành công đã được ghi nhận, nhưng cũng nhiều vấn đề đang đặt ra đòi hỏi cần có nhiều đột phá cả về nhận thức và chính sách phát triển các KKT và KCN thời gian tới.

Ảnh minh họa
 
Những thành công đáng ghi nhận
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2016, cả nước có 16 KKT với 815 nghìn ha, tổng diện tích mặt đất và mặt nước (chưa tính hai KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và Ninh Cơ, tỉnh Nam Định có trong quy hoạch, nhưng chưa được thành lập); có 325 KCN, với 94,9 nghìn ha, trong đó 67% tổng diện tích đất tự nhiên có thể cho thuê. Hiện 220 KCN đã đi vào hoạt động, 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy chung các KCN đạt 51%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%. Vùng Đông Nam Bộ có số KCN được thành lập nhiều nhất với 111 KCN (chiếm 34%); vùng đồng bằng sông Hồng có 85 và và Tây Nam Bộ có 52 KCN.
Đặc biệt, tại 16 KKT ven biển hiện có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 14 KCN, khu phi thuế quan đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 5,5 nghìn ha và 22 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 10,6 nghìn ha. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển đạt hơn 30.000 ha, chiếm khoảng 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển. Tính đến hết tháng 11-2016, tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là 155 nghìn tỷ đồng (vốn đầu tư trong nước là 133 nghìn tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư).
Các khu kinh tế và công nghiệp là những điểm, vùng động lực góp phần đáng kể cho sự tái cơ cấu, phát triển công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung; tạo nhiều việc làm mới; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư­ cho phát triển kinh tế và quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển và gìn giữ an ninh quốc phòng tuyến biên giới đất liền.
Năm 2011, Việt Nam mới có 267 KCN, đóng góp khoảng 40% tổng vốn FDI, trên 30% giá trị xuất khẩu hàng năm và thu hút hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp. Năm 2016, các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được 873 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 680 lượt dự án, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 14,9 tỷ USD, chiếm khoảng 72% FDI chung và chiếm trên 90% về lĩnh vực chế biến chế tạo của cả nước. Trong đó, lũy kế đến hết năm 2016, các KCN thu hút được 7.013 dự án FDI. Tổng mức đầu tư đăng ký đạt 111,4 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 61%. Các KKT thu hút được 361 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42,2 tỷ USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 49%. Các KCN, KKT thu hút được 629 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 218 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 109,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2016, các KCN thu hút được 6.504 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 710,6 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện bằng 51%. Các KKT thu hút được 1.090 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 809,1 nghìn tỷ đồng, vốn thực hiện bằng 40% (so với lũy kế đến ngày 20-3-2017, cả nước có 23.071 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 158,45 tỷ USD, bằng 49,3% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực). Các KCN, KKT đạt tổng doanh thu đạt khoảng 145,5 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 96 tỷ USD, đóng góp gần 53% vào tổng kim ngạch cả nước. Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng đạt 94 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 110 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2015. Đồng thời, đang thu hút hơn ba triệu lao động.
Những đột phá cần có
Thực tế cho thấy, để phát triển hiệu quả và hài hòa mục tiêu theo yêu cầu phát triển bền vững các KKT và KCN, cần có những đột phá mạnh mẽ hơn về định hướng phát triển và quản lý nhà nước đối với các khu này, nhất là về xúc tiến đầu tư; cơ cấu ngành nghề, cơ cấu công nghệ; về phát triển đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào; về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, liên kết chuỗi cung ứng gắn với sự phân loại các khu công nghiệp và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của vùng lãnh thổ…
Thực tế thế giới chứng tỏ, một KCN có tỷ lệ lấp đầy dưới 60% là thất bại về hiệu quả kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các KCN đã hoạt động đạt 73% là thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các KCN trong quy hoạch chung chỉ 51% cho thấy tình trạng quy hoạch treo còn khá nặng nề trong triển khai đầu tư các KKT và KCN đã được quy hoạch.
Với mục tiêu được đặt ra là đến năm 2020, các khu kinh tế ven biển trên cả nước đóng góp từ 53% - 55% GDP quốc gia và 55% - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, song đến nay, tỷ lệ đất phục vụ các dự án sản xuất, kinh doanh trong các khu kinh tế ven biển mới đạt 9%, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 6 - 8 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách hàng năm vào khoảng 500 - 600 triệu USD.
Tổng số vốn đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các KCN, KKT là 155 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trong nước là 133 nghìn tỷ đồng (chiếm 84%), vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 16%). Tình trạng chạy đua phát triển theo kiểu phong trào dẫn đến sự phân tán các nguồn lực cả trung ương và địa phương, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, cơ chế chính sách thiếu tính đồng bộ… Chỉ vài khu kinh tế ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển, phần lớn các khu kinh tế ven biển khác vẫn đang trong tình trạng mới hoàn thành quy hoạch chung và đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật… và phải đối mặt với những thách thức về xã hội như phát triển bền vững, đô thị hóa, chuyển đổi có cấu ngành nghề…
Gần đây, Chính phủ quyết định chọn năm khu kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng để ưu tiên tập trung đầu tư, bao gồm: KKT Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi); KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa); KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh); KKT Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang). Các khu này đều có lợi thế để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, hàng hải, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế biển, du lịch biển, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung… Các khu này sẽ có chính sách và được tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, hệ thống sân bay, cảng biển… đồng bộ để tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phát triển các KKT và KCN phải bảo đảm hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là mục tiêu cao nhất, khai thác tốt các lợi thế tiềm năng địa phương và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của các vùng lãnh thổ và cả nước; hình thành hệ thống các khu công nghiệp nòng cốt có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp quốc gia và hệ thống các KCN vừa và nhỏ đa dạng về hình thức hoạt động và đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tăng cư­ờng sự tham gia của các thành phần kinh tế và hợp tác quốc tế, tập trung đầu tư và kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt và đường không đồng bộ, liên thông với mạng giao thông quốc gia và quốc tế, coi trọng đào tạo nhân lực và cải cách thể chế, gắn với đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, quản lý sát sao quỹ đất và cân nhắc tính hai mặt của các ưu đãi thuế, đối phó hiệu quả với các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Việc tìm kiếm, lựa chọn và trao quyền đầu tư phát triển cho một, hoặc nhóm các nhà đầu tư thực hiện các cơ chế đặc thù theo định hướng mô hình tổ chức và mục tiêu dài hạn nhằm định hình chuỗi cung ứng mới là rất quan trọng để có sự đột phá trong phát triển các KKT và KCN thời gian tới… 
TS NGUYỄN MINH PHONG Nguồn:
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32430902-nhung-dot-pha-can-co-trong-phat-trien-cac-khu-kinh-te-va-khu-cong-nghiep.html

Không có nhận xét nào