“Lên đời” vườn ươm - mong mỏi không chỉ riêng của startups
Vườn ươm doanh nghiệp ra đời như một sự mong muốn phát triển doanh nghiệp bản địa. Thế nhưng vì sao hầu hết các vườm ươm tư nhân đều khá ổn định và phát triển, còn vườn ươm do nhà nước đầu tư lại đang rất chật vật? Bên cạnh hạn chế về nguồn vốn và nhân sự quản lý thì chiếc áo chính sách dường như quá hẹp cũng góp phần lấy đi nhiều cơ hội của các vườn ươm - nơi được kỳ vọng sẽ là một trong những xuất phát điểm thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Một con đường, hai ngả rẽ
Hiện tại trên địa bàn TPHCM có 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (DN), trong đó 10 cơ sở thuộc sở hữu nhà nước, còn lại là các khu ươm tạo tư nhân. Đối tác của tất cả các cơ sở ươm tạo này gần giống nhau với sự tham gia từ các viện, trường, hiệp hội DN, các công ty tư vấn, quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia trong và ngoài nước … Tuy nhiên, nếu như 100% các cơ sở ươm tạo nhà nước hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận thì 90% các cơ sở tư nhân là vì lợi nhuận.
Các cơ sở ươm tạo nhà nước thì đầu tư hỗ trợ cho DN ở nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sinh học, lương thực thực phẩm - là những ngành nghề đòi hỏi chi phí cho máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, thời gian ươm tạo dài (3-5 năm). Còn cơ sở ươm tạo tư nhân lại chủ yếu tập trung vào thương mại điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông… với chi phí đầu tư không lớn, thời gian ươm tạo ngắn (4-6 tháng), có thể thu hồi và thoái vốn nhanh.
Vì vậy những khác biệt về hiệu quả hoạt động nếu chỉ xét yếu tố kinh tế một phần cũng từ đây mà ra.
Với những đặc thù về cơ chế và tính chất hoạt động như vậy khiến các cơ sở ươm tạo nhà nước hiện không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, dù rằng những vườn ươm này cũng có nhận được tài trợ từ các định chế quốc tế và sự quan tâm từ các bộ ngành. Tuy nhiên tỷ lệ startups được ươm tạo ở đây gọi vốn thành công là khá hạn chế.
Ví dụ như ở Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao, chỉ có 2/9 DN gọi được vốn đầu tư, hay Trung tâm ươm tạo DN Công nghệ của ĐH Bách Khoa TPHCM cũng chỉ có 1/10 DN thu hút được nhà đầu tư. Trong khi đó, tỷ lệ gọi vốn thành công của các cơ sở ươm tạo tư nhân dao động từ 25% đến 50%. Đơn cử như tại Công ty tăng tốc và khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, có 4/7 DN gọi được vốn; hay tại Công ty Cổ phần Việt Nam Sillicon Valley Accelerator có 8/31 DN tiếp cận được nhà đầu tư.
Chật vật với hiện tại
Đi tìm những nguyên nhân khác dẫn đến khác biệt quá lớn về hiệu quả kinh tế giữa 2 mô hình vườn ươm trên, có thể thấy còn 3 yếu tố quan trọng khiến mô hình vườn ươm nhà nước ngày càng chật vật. Đó là vốn đầu tư ban đầu – hàng năm đều eo hẹp; nguồn nhân lực quản trị vườn ươm chủ yếu là các nhà chuyên môn có tư duy thị trường hạn chế; chính sách “chật chội” với hoạt động đầu tư mạo hiểm, rối rắm thủ tục xin giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, thiếu thốn quy định về đăng ký đầu tư khi nhà đầu tư ngoại muốn rót vốn cho startups dưới hình thức mua cổ phần…
Thật vậy, PGS. TS Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa TPHCM cho rằng các vườn ươm nhà nước thiếu nhân lực có kinh nghiệm về DN để cung cấp dịch vụ phù hợp, “công tác quản lý cũng chủ yếu ở khía cạnh hành chính, ít gắn bó với khách hàng. Công tác quản trị vườn ươm ở trường Đại học bị ảnh hưởng tiêu cực do vẫn phải kiêm nhiệm là giảng viên”.
Còn TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao TPHCM thì nhận định phạm vi khung pháp lý hỗ trợ cho các cơ sở ươm tạo mới chi phối trong phạm vi hẹp, chưa đủ và chủ yếu được lồng ghép trong các văn bản pháp luật khác nên hoạt động của các vườn ươm còn rất lúng túng, nay thì theo quy định này, mai lại theo văn bản hướng dẫn kia. Trong khi các cơ sở ươm tạo tư nhân hoạt động theo mô hình doanh nghiệp để có sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm thì các cơ sở ươm tạo nhà nước phần nhiều là đơn vị phụ thuộc của một sở ngành, viện trường nào đó.
Bên cạnh đó, quy trình đánh giá chất lượng hoạt động của cơ sở ươm tạo bằng tiêu chí tài chính chưa có hoặc chưa thống nhất, mỗi nơi mỗi phách. Đó là chưa kể những vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ khi cơ sở ươm tạo muốn góp vốn cổ phần trong startups, “không biết ký giao kết với startups kiểu gì, lỡ ký sai thanh tra tìm ra thì có vấn đề ngay!!!”, ông An phân trần.
Cần chiếc áo rộng hơn
Dẫu biết rằng không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nền kinh tế khác, không thiếu những vườn ươm nhà nước sở hữu hoạt động thiếu hiệu quả, nhưng thực tế đó không thể phủ nhận vẫn có nhiều mô hình vườn ươm công lập thành công nhờ có chủ trương và chính sách hợp lý.
PGS. TS Mai Thanh Phong tin rằng việc thiết lập các vườn ươm công-tư (PPP) có thể nâng cao đáng kể hiệu quả hoạt động của hoạt động ươm tạo DN.
Theo đó, một số nước như Brazil, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Ấn Độ, Thái Lan cũng đã thực hiện và đạt được thành công nhất định. Táo bạo hơn, Israel thậm chí còn cho tư nhân hóa các vườn ươm công lập để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư chiến lược, chuyên gia cùng tham gia sở hữu và vận hành. Hoặc cho phép vườn ươm công lập hoạt động theo mô hình của một DN bình thường với Ban Quản trị và Ban giám đốc điều hành. Vị lãnh đạo của ĐHBK TPHCM cũng cho biết đang “theo đuổi xu hướng hợp tác công-tư, kêu gọi tư nhân cùng tham gia đầu tư và chia sẻ lợi ích”.
Từ góc nhìn của Khu Công nghệ cao TPHCM, ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao lại đặt vấn đề về hành lang pháp lý liên quan đến khả năng gọi vốn của các dự án khởi nghiệp – bởi đây chính là minh chứng cho hiệu quả hoạt động của một vườn ươm. Vì vậy cần có quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm cũng như cơ chế ưu đãi cho các hoạt động này. “Khu Công nghệ cao thực tế vận động thành lập quỹ Đầu tư mạo hiểm rồi nhưng vẫn phải chờ văn bản pháp lý để chính thức ra mắt và vận hành Quỹ”, ông Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều quan điểm cũng cho rằng sự thành công của vườn ươm trên thực tế không chỉ là trách nhiệm của các ban ngành hay chính sách hỗ trợ “vòng trong, vòng ngoài” của Chính phủ, mà còn cần sự chung tay của cả xã hội vì một hệ thống doanh nghiệp bản địa, chí ít là ở các hoạt động quảng bá, truyền thông.
Phương Hiền Nguồn:
http://tphcm.chinhphu.vn/%E2%80%9Clen-doi%E2%80%9D-vuon-uom-mong-moi-khong-chi-rieng-cua-startups
http://tphcm.chinhphu.vn/%E2%80%9Clen-doi%E2%80%9D-vuon-uom-mong-moi-khong-chi-rieng-cua-startups
Không có nhận xét nào