QUẢNG CÁO

Tin tức

Kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu

Theo các chuyên gia, một trong những cơ hội, cũng là thách của Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng trong năm 2015 là xây dựng sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp trong nước và kết nối khối doanh nghiệp này với chuỗi giá trị toàn cầu. Đây chính là động lực phát triển bền vững trong tương lai của đất nước.

Ảnh minh họa

Năm 2015 được coi là năm tiếp đà hội nhập sâu rộng của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, hiện đang đàm phán 7 FTA nữa bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu, Hiệp định với Liên minh hải quan, Hiệp định thương mại tự do song phương với Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do với 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Cùng với đó, cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành.

Quá trình hội nhập đã đang và sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu và phát triển kinh tế. Giai đoạn 2007 - 2014, luồng vốn FDI đạt trung bình 7,3 tỉ USD mỗi năm. Thương mại quốc tế phát triển làm cho tỉ trọng thương mại so với GDP tăng đến 170%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa công nghiệp tăng mạnh trong 5 năm vừa qua khi các công ty đa quốc gia xây dựng cơ sở sản xuất ở Việt Nam để lắp ráp sản phẩm như điện thoại di động và hàng điện tử, hoặc để sản xuất linh kiện như một công đoạn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2015, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor cho rằng, phần đóng góp chính của Việt Nam vào chuỗi sản xuất này vẫn là lao động kỹ năng thấp. Chi phí nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu vào Việt Nam ước tính lên đến 90% giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế tác của Việt Nam ra nước ngoài. Mức độ phát triển kinh tế trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc đưa các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, các doanh nghiệp này được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài, tiếp cận với thị trường thế giới, tạo tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Theo Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nhìn chung vẫn thiếu năng lực tham gia vào chuỗi cung cấp cho các nhà máy nước ngoài đầu tư. Chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào mạng lưới sản xuất cho xuất khẩu, so với gần 60% ở Malaysia và Thái Lan. Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và tỉ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp theo chiều sâu và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ còn thiếu sự phối hợp liên ngành nên chính sách còn manh mún và việc thực hiện còn yếu kém.

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh hơn nữa được không và điều gì đang ngáng trở quá trình này? Theo chuyên gia Dominic Mellor, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể phát triển theo hai hướng, thứ nhất là phát triển tự nhiên hữu cơ như cái cây tự lớn lên, hoặc hợp nhất, liên kết với nhau để hình thành các doanh nghiệp lớn hơn. Hiện văn hóa kinh doanh của Việt Nam vẫn thiên về việc giữ mạng lưới kinh doanh hộ gia đình và thiếu động lực liên doanh, liên kết. Sự thiếu niềm tin khiến cho quá trình liên kết, mở rộng và lớn mạnh của các doanh nghiệp không thực sự sôi nổi. Vấn đề niềm tin của thị trường, của người tiêu dùng cũng là rào cản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Vừa qua, Việt Nam đã thực hiện sửa đổi các luật về doanh nghiệp, về phá sản giúp tạo niềm tin nhiều hơn đối với những người hoạt động kinh doanh. Khi các văn bản luật được hoàn thiện, môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch sẽ tạo sự tin tưởng của nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp.

Một trong những ngáng trở lớn nữa đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khả năng tiếp cận vốn. Các chuyên gia đã đề cập nhiều về vấn đề cần tăng cường thanh khoản của hệ thống ngân hàng để giúp cho các doanh nghiệp có tiếp cận các gói tín dụng tốt hơn. Bên cạnh đó, những điều kiện tiếp cận tín dụng cần phải thông thoáng hơn, tháo gỡ các vướng mắc của các doanh nghiệp tư nhân đang mắc phải khi tiếp cận về tín dụng. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cần phải có năng lực để xây dựng báo cáo tài chính một cách đầy đủ, minh bạch, đáng tin cậy để ngân hàng tin tưởng hơn. Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực trong quản lý doanh nghiệp, trong báo cáo tài chính.

Cùng với đó, để hệ thống doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển và hội nhập, theo khuyến nghị của ADB, Việt Nam cần phải có những chiến lược cụ thể cho từng ngành rõ ràng, xem ngành nào cần thúc đẩy mạnh mẽ, có thể cạnh tranh và cạnh tranh thành công trên chính thị trường của mình, cũng như các thị trường đối tác. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần khuyến khích sự phát triển của các cụm doanh nghiệp sẽ góp phần tạo ra quy mô kinh tế, chia sẻ kiến thức, giảm chi phí giao dịch và vận tải. Theo ADB, việc xây dựng một đạo luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra công cụ pháp lý đủ mạnh để loại bỏ những ngáng trở, mở đường cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lựa chọn năm ngành ưu tiên để phát triển các cụm công nghiệp và chuỗi giá trị sản phẩm: điện tử, dệt, chế biến thực phẩm, máy móc nông nghiệp và du lịch. Cần xây dựng kế hoạch hành động cho các ngành này để tập trung hỗ trợ cho các chuỗi cung ứng đó, phát huy tối đa tiềm năng lan tỏa của vốn FDI đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, theo các thước đo giá trị gia tăng trong nước, tạo việc làm và thu ngân sách.

Tự Cường
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=345071

Không có nhận xét nào