QUẢNG CÁO

Tin tức

Ngành công nghiệp sáng tạo ở Anh: Từ kết nối kinh tế đến văn hóa và một vài gợi mở cho Việt Nam

TCCSĐT - Ngành công nghiệp sáng tạo là một bài học thành công ở nước Anh. Chuyển hướng sang phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nguồn tri thức và tiềm năng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao là bước đi đúng đắn của nước này.


Thuật ngữ “công nghiệp sáng tạo” (creative industry) vốn được khởi nguồn từ nước Anh, xuất hiện vào giữa những năm 90 của thế kỷ XX. Có thể khẳng định, nước Anh chính là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trên thế giới. Phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo là hướng đi tất yếu của Anh khi những ngành công nghiệp nổi tiếng ở đây như đóng tàu, sản xuất máy móc cơ khí, … khó có thể cạnh tranh với những nước có nền kinh tế mới phát triển với nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ. Ở Anh, ngành công nghiệp văn hóa được xem là một lĩnh vực thuộc kinh tế sáng tạo. Kinh tế sáng tạo là một trong những thành công của nền kinh tế nước này với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm gấp hai lần so với các ngành kinh tế khác, đóng góp đáng kể vào sự hồi phục, cũng như trở thành động lực phát triển của nền kinh tế Anh trong những năm vừa qua. 

Công nghiệp sáng tạo: Sự kết nối giữa kinh tế và văn hóa

Trong sự phát triển ngành công nghiệp sáng tạo ở Anh có thể nhận thấy mối quan hệ qua lại giữa sự phát triển kinh tế và công nghiệp sáng tạo. Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, máy thu hình màu xuất hiện đã được các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giải trí khai thác triệt để. Sự phát triển của nước Anh trong lĩnh vực này trở nên nổi bật kể từ những năm 90 khi các nước tiên tiến đã chuyển sản xuất sang các nước đang phát triển nhằm giảm chi phí lao động và Anh cũng đã tìm kiếm một động cơ tăng trưởng kinh tế mới. 

Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) nước này đã dành hơn 95% ngân sách để phân bổ cho các cơ quan như: Hội đồng Nghệ thuật Anh, Cục Di sản, Bảo tàng, Thư viện và Hội đồng Lưu trữ (MLA),… (1). Để kết nối giữa kinh tế và văn hóa, bảo đảm sự phát triển tốt nhất cho văn hóa - nghệ thuật, Chính phủ Anh thành lập Hội đồng Nghệ thuật như một tổ chức độc lập với chính phủ trong những quyết định có liên quan đến phát triển văn hóa - nghệ thuật. Hội đồng Nghệ thuật Anh có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan duy nhất tài trợ và phát triển nghệ thuật. Hội đồng Nghệ thuật Anh được xem là “cánh tay nối dài” của chính phủ trong việc lựa chọn, xác định những chủ đề, lĩnh vực ưu tiên trong chính sách văn hóa; đưa ra kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật dài hạn (10 năm). Hội đồng Nghệ thuật Anh luôn đóng vai trò xúc tác, định hướng cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật, hỗ trợ tổ chức, nâng cao kỹ năng và phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo ở Anh.

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng đã thành lập Quỹ Hỗ trợ quốc gia cho Khoa học, Công nghệ và Nghệ thuật (The National Endowment for Science, Technology and the Arts - NESTA). Đây là tổ chức có nhiệm vụ “làm cho nước Anh trở nên sáng tạo hơn”, nói cách khác, khuyến khích sự sáng tạo của các ngành công nghiệp sáng tạo Anh. Tổ chức này đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ về tài chính và kỹ năng quản lý cho các doanh nghiệp sáng tạo mới được thành lập, giúp đỡ họ những bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển. Tổ chức này cũng có nhiệm vụ thông tin và tư vấn cho việc hoạch định chính sách, thực hiện các chương trình hoạt động mang tính thực tiễn để giúp đỡ các ngành công nghiệp sáng tạo. 

Một số thành tựu của ngành công nghiệp sáng tạo ở Anh

Số liệu thống kê năm 2016 của Chính phủ Anh được công bố đã chỉ ra rằng, ngành công nghiệp sáng tạo của Anh đem lại 84,1 tỷ bảng Anh, một con số kỷ lục và chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh. Tăng trưởng của ngành này đã đạt 8,9% giữa các năm 2013 - 2014 so với mức tăng trưởng 4,6% của tất cả các ngành kinh tế. Trong đó, ngành sản xuất phim của Anh, âm nhạc, trò chơi video, đồ thủ công và xuất bản là những ngành công nghiệp sáng tạo có quy mô lớn nhất và có ảnh hưởng về văn hóa mạnh mẽ nhất của Anh. Đây là những ngành giữ vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế Anh (2). 

Chính phủ Anh cũng công bố báo cáo cho thấy, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo tại nước Anh trong vòng 5 năm trở lại đây đã tăng gần 20%, thu hút 1,9 triệu nhân công. Ngành này đã tạo ra nhiều việc làm, tăng doanh thu từ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế địa phương thông qua các ngành, nghề điển hình của mỗi nơi, tạo ra các trung tâm văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch. Đây được xem là ngành thu hút lao động nhanh nhất, đồng thời là một trong những ngành thành công nhất tại Anh. Việc làm trong ngành công nghiệp sáng tạo chiếm 1/11 công ăn việc làm tốt nhất, tốc độ tăng nhanh hơn so với tất cả các ngành khác của nền kinh tế và nằm trong số nhóm ngành có khả năng ít bị cạnh tranh nhất (3). 

Một vài gợi mở cho Việt Nam

Ở Việt Nam, Nghị quyết số 33 - NQ/TW, ngày 09-6-2014, của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nhiệm vụ 5: Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa) (4) là văn kiện chính thức của Đảng lần đầu tiên đề cập đến sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam với đầy đủ tính chất của một ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta không phải bây giờ mới được đề cập đến mà thực chất đây là kết quả của một quá trình đổi mới tư duy của Đảng về văn hóa, về mối quan hệ văn hóa - kinh tế, về mô hình phát triển của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Có thể nhắc tới Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc năm 1998 đã nhấn mạnh tiềm năng kinh tế trong phát triển văn hóa, gắn kết kinh tế với văn hóa; thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa; đẩy mạnh sự sáng tạo, tăng cơ hội tiếp cận của người dân đối với các sản phẩm văn hóa…

Đây là những nội dung quan trọng có ý nghĩa tiền đề cho việc định hình những lý luận cũng như chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề phát triển loại hình công nghiệp văn hóa ở nước ta những năm tiếp theo. Tiếp đó, Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (năm 2004) cho thấy những điểm mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính chất sự nghiệp mà còn mang tính kinh doanh với sự tham gia của các doanh nghiệp văn hóa được khuyến khích phát triển; thị trường văn hóa bước đầu được thừa nhận với những sản phẩm văn hóa được lưu thông theo cơ chế thị trường. Nghị quyết số 23 - NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” một lần nữa khẳng định sự tồn tại của thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa (ở đây là các sản phẩm văn học, nghệ thuật). Vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa của các phương tiện, phương thức sản xuất và truyền bá các sản phẩm văn hóa, nội dung quan trọng của công nghiệp văn hóa đã được Nghị quyết ghi nhận.

Và đặc biệt, trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”, Chính phủ đã khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới, nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung là xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Chiến lược có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới về cơ chế, xây dựng chính sách, triển khai các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các ngành thuộc công nghiệp văn hóa trong tương lai. Mới đây nhất, tháng 9-2016, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó nhấn mạnh: “Các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học - công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế” (5).

Như vậy có thể thấy, những quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã hoàn thiện một bước những quan điểm, chủ trương của Đảng và Chính phủ đã được nêu ra trong các văn bản trước đó. Đó là sự thích ứng với xu thế chung của thời đại, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển, khi tiền đề cho việc phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đã được tạo dựng với những biểu hiện rất cơ bản, với điểm nhấn là sự hình thành một thị trường văn hóa với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, thúc đẩy một số ngành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa phát triển. 

Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, tiềm năng ấy chưa được nghiên cứu thấu đáo, định hướng phát triển với những chiến lược cụ thể khai thác hiệu quả. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn hóa phải tiến hành các nghiên cứu toàn diện, khoa học và đầy đủ về các ngành công nghiệp văn hóa, quy mô, tầm cỡ và ý nghĩa của nó trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Theo Báo cáo “Công nghiệp sáng tạo: Cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa cho Việt Nam” của nhóm chuyên gia Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công bố tại Tọa đàm “Phát triển cơ chế tài chính và khuôn khổ pháp lý mới cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam”, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa. Khái niệm công nghiệp văn hóa nhìn chung bao gồm hoạt động sản xuất và xuất bản các văn bản, âm nhạc, truyền hình, đồng thời gồm cả thủ công mỹ nghệ và thiết kế. Ở nhiều nước, kiến trúc, nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa cũng nằm trong lĩnh vực này…TS. Tôm Phlơ-min (Tom Fleming), Chuyên gia chính sách UNESCO cho biết, thị trường nội địa lớn cộng với thị trường khu vực lớn và đang mở rộng là những điều kiện thuận lợi bảo đảm tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (6).

Trên thực tế, Việt Nam chưa thực sự có một nền công nghiệp văn hóa. Thị trường văn hóa phẩm hình thành trong những năm qua còn mang tính tự phát, manh mún, thậm chí có thể nói là “mạnh ai nấy làm”. Qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, điển hình là của Anh, thiết nghĩ để hình thành một nền công nghiệp văn hóa phát triển mạnh, Việt Nam cần tính đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng một chính sách công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mang tính toàn diện, đồng bộ, trong đó xác định được quan điểm, mục tiêu, chiến lược, sản phẩm rõ ràng với cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt (nhất là trong giai đoạn đầu). Theo đó, định ra chính sách sử dụng tài nguyên văn hóa, chính sách thuế tài chính, chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa nghệ thuật, chính sách xã hội hóa nhằm tạo môi trường thông thoáng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa; định ra các chính sách về kết cấu công nghiệp văn hóa, chính sách tổ chức quản lý và chính sách phân bố khu vực, ngành, nghề văn hóa; xây dựng hệ thống pháp lý nhằm bảo đảm thực hiện chính sách công nghiệp văn hóa (7). Có như vậy, chúng ta mới hy vọng có một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tương lai.

Thứ hai, coi sản phẩm văn hóa là một trong những “sức mạnh mềm” trong xu hướng phát triển của thời đại ngày nay. Vì vậy, cần xác định công nghiệp văn hóa là mục tiêu chiến lược trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi đó là một công cụ quảng bá văn hóa Việt Nam ra thị trường thế giới. Cần phải nhận thức rằng, phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa là một đường hướng, đồng thời là biện pháp quan trọng đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là một phương thức quan trọng để thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân, bên cạnh đó, phát huy lợi thế cạnh tranh của văn hóa Việt Nam đối với quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam cần có một đội ngũ các nghệ sỹ, doanh nhân và các nhà sáng tạo nghệ thuật được đào tạo bài bản. Lấy ví dụ ở Anh, các chương trình đào tạo về sáng tạo nghệ thuật rất đa dạng và phong phú. Ở các cấp độ, người học có thể dễ dàng lựa chọn các khóa học về nghệ thuật và thiết kế ở các cấp trung học phổ thông (GCSE), Dự bị đại học (A Level, Bằng Tú tài quốc tế); ngoài ra còn có hàng trăm khóa tập trung chuyên sâu vào những môn nghệ thuật và thiết kế với chứng chỉ nghề quốc gia (NVQ) và cao đẳng quốc gia (BTEC). Ở bậc đại học, người học sẽ có các khóa lấy bằng cử nhân, bằng đại học đại cương, bằng nghề hướng nghiệp quốc gia (HND) và nhiều bằng cấp khác với nhiều chuyên ngành khác nhau. Đối với bậc học sau đại học là bằng Thạc sĩ (MA) hoặc Tiến sĩ (PhD).

Thứ tư, có cơ chế đầu tư vốn thỏa đáng cho ngành công nghiệp văn hóa. Mặc dù nguồn tài chính dành cho lĩnh vực văn hóa đã tăng lên hằng năm, tuy nhiên, Nhà nước đầu tư cho mọi lĩnh vực văn hóa chứ không chỉ đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời. Điều đáng nói ở đây là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong ngành làm sao có thể xây dựng được kế hoạch phát triển và sử dụng những khoản đầu tư của Nhà nước cho văn hóa có hiệu quả nhất.

Thứ năm, cần tạo môi trường sáng tạo nói chung, môi trường sáng tạo văn hóa nói riêng. Theo Báo cáo của Hội đồng Anh, tại các thành phố của Việt Nam đã có những mô hình không gian sáng tạo nhất định như: The Star Centre, Work Saigon, Học viện ADC, Saigon Ourcast, Hanoi Rock City, Hầm Hành, Wuder Lab, Zone 9 (X98), ..... tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ (8).

Có thể thấy, ngành công nghiệp văn hóa đang dần được xem như thứ “quyền lực mềm” tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” chưa được xác định rõ như một ngành công nghiệp có thế mạnh, đủ để tạo dấu ấn mang thương hiệu Việt Nam. Chúng ta có thị trường nội địa rộng lớn, có dân số trẻ dễ dàng tiếp cận với những công nghệ cao; ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh về sự đa dạng văn hóa, cảnh quan văn hóa ở Việt Nam rất phong phú, từ hệ thống di tích, di sản cho tới các thành phố năng động đang phát triển; từ các thực hành văn hóa truyền thống cho tới thời trang và truyền thông đương đại. Phần đông người Việt Nam đều tự hào về sự đặc sắc văn hóa cũng như có xu hướng mạnh mẽ giữ gìn văn hóa truyền thống của mình. Sự phong phú và khác biệt vùng, miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo... Cần phải khẳng định rằng, ngành công nghiệp văn hóa cần được khuyến khích bởi chính sách của Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách phù hợp, cũng như thiết lập các công cụ pháp lý đúng đắn để trở thành điểm tựa cho sự tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực văn hóa. Để kiến tạo nền tảng đồng thời phát huy các nguồn lực của ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam cũng cần nhận diện các cơ hội và thách thức cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Những gợi mở này giúp cho Việt Nam phát huy tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách hiệu quả và bền vững./.

-------------------------

(1) An overview of cultural policy in the UK A Tale of Coalition, Cuts, Creative Industries & Cultural Olympiad, http://ccarts.ca/in-the-news/an-overview-of-cultural-policy-in-the-uk-a-tale-of-coalition-cuts-creative-industries-cultural-olympiad/ và United Kingdom/ 

(2) Creative Industries worth record £84.1bn to UK economy, http://ukie.org.uk/news/2016/01/creative-industries-worth-record-%C2%A3841bn-uk-economy và http://ukie.org.uk/news/2016/01/creative-industries-worth-record-%C2%A3841bn-uk-economy

(3) The creative industries of UK, http://www.thecreativeindustries.co.uk/ resources/infographics

(4) Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa XI, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-quyet-33-NQ-TW-2014-xay-dung-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-Viet-Nam-237544.aspx

(5) Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, quyết định số 1755/QĐ-TTg

(6) Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa, http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/trong-nuoc/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa/198101.html

(7) Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta, http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/xay_dung_va_phat_trien_cnvh-0.html

(8) Không gian sáng tạo tại Việt Nam, http://www.britishcouncil.vn/ sites/britishcouncil.vn/files/ch_report_v7.pdf


Theo Vũ Thanh Hà

Không có nhận xét nào