QUẢNG CÁO

Tin tức

Sông Châu ô nhiễm nặng nề

Gần đây, dư luận xôn xao vì bể dẫn nước của Trạm bơm Chợ Lương (Duy Tiên, Hà Nam) vào kênh thủy lợi xuất hiện bọt trắng như tuyết khi bơm nước từ sông Châu phục vụ đổ ải, làm đất chuẩn bị cho vụ Đông Xuân. Điều đáng nói là hiện tượng trên xuất hiện nhiều năm nay và địa phương cũng như người dân vô cùng cực khổ khi bất lực phải chịu đựng cảnh hôi thối, mất vệ sinh và phản cảm với mật độ ngày càng dày hơn…

Bài 1 - Mười năm mệt mỏi và bất lực

Những ngày qua, người dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bức xúc phản ánh, sông Châu Giang (còn gọi là sông Châu) thuộc hệ thống dòng chảy từ sông Nhuệ (Hà Nội) ô nhiễm trầm trọng, nước đen đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy cùng với hàng loạt giải pháp, thế nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông vẫn ở mức “báo động đỏ”, tài nguyên nước hoàn toàn không thể sử dụng... 


Nước sông Châu qua Trạm bơm Chợ Lương nổi bọt trắng xóa. Ảnh: ITN  

“Đừng đưa nước thối về đây!”

Theo ghi nhận, vào chiều 13/1/2018, Trạm bơm Chợ Lương đã ngừng lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, các vạt cỏ xung quanh mép bể dẫn bị một lớp hóa chất “nhuộm” đen và đã chết. Theo giải thích của Chủ tịch UBND xã Yên Bắc Nguyễn Xuân Tình, những ngày bơm nước từ sông Châu vào, nước dâng lên chạm mép đó và rút đi để lại dấu vết như trên. Còn ở ngoài dòng chính của sông Châu qua địa phận xã Yên Bắc và thị trấn Hòa Mạc, nước sông đen ngòm, chảy chậm và bốc mùi hôi thối. Họ khá lo lắng với “di tích” trên…

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Duy Tiên Nguyễn Mạnh Đạt, sông Châu dài 30km, nằm trọn trong địa phận tỉnh Hà Nam. Riêng với Duy Tiên, sông chảy qua địa bàn 5 xã gồm Bạch Thượng, Yên Bắc, thị trấn Hòa Mạc, Trác Văn và Chuyên Ngoại. Ông Đạt thừa nhận, hiện tượng trên đã xảy ra gần 10 năm nay, từ khi con sông bị ô nhiễm nặng nề bởi các hoạt động xả thải trực tiếp ra lưu vực sông.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thưởng, 60 tuổi ở xóm 6 xã Bắc Yên nằm sát ngay khu vực trạm bơm. Bà Thưởng tỏ rõ sự bức xúc: “Đã 10 năm nay gia đình tôi phải sống chung với ô nhiễm từ nước sông Châu. Ngày nào cũng phải ngửi đủ thứ loại mùi, từ hôi thối cho đến tanh nồng của bùn, ruồi nhặng nhiều vô kể. Khổ nhất là dịp cuối năm trạm bơm bơm nước cho bà con sản xuất nông nghiệp, lòng sông sủi bọt trắng xóa như tuyết cao hàng mét, bốc mùi thối theo gió bay thẳng vào nhà và khu dân cư liền kề. Nhiều người trong xóm mắc bệnh ung thư, bệnh phổi, thần kinh và các bệnh nan y khác mà không rõ lý do” - bà Thưởng phân trần khi thấy phóng viên tới ghi nhận tình trạng tại Trạm bơm Chợ Lương.  

Điều gây bức xúc là không chỉ các hộ dân xã Yên Bắc chịu cảnh ô nhiễm từ “sông tuyết như mây” mà hầu hết các hộ dân dọc bờ sông Châu Giang thuộc huyện Duy Tiên cũng đều lãnh đủ. Anh Nguyễn Đức Tám, xóm Thịnh Hòa, thị trấn Hòa Mạc cho biết: Vào cuối hè, đầu thu, sông Châu Giang cạn nước. Cả dòng sông đen đặc, sánh như dầu luyn, gió đưa mùi hôi thối xộc vào nhà. Ô nhiễm dòng sông khiến cho người già, con trẻ bị ảnh hưởng đến hô hấp. Còn ông Trần Văn Thọ, 74 tuổi ngán ngẩm nói: Không thể chịu được ô nhiễm, bà con đã liên tục gửi đơn phản ánh lên các cấp chính quyền, đến các đại biểu HĐND, ĐBQH thông qua việc tiếp xúc cử tri. “Đơn lên, đơn xuống, hết đoàn này đến đoàn khác ra vào khảo sát nhưng đến nay người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm”. Tết Dương lịch vừa rồi, các con tôi được nghỉ về quê cũng chỉ ở được chốc lát vì cháu nhỏ không chịu được mùi hôi thối”. Ông Trần Văn Thọ cho biết thêm.  

Sinh hoạt, sản xuất đình đốn

Cùng phải chịu cảnh tương tự, bà Trần Thị Loan (58 tuổi), có mảnh đất trồng rau gần trạm bơm thì cho hay: Hai tháng nay chính quyền đã lắp nước sạch cho bà con nhưng chảy rất yếu nên nhiều hộ dân vẫn sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt, dẫn đến bị ngứa, đau bụng. Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng rất có thể do mạch nước ngầm sông Châu Giang bị ô nhiễm. Chúng tôi mong muốn những người có trách nhiệm lấy nguồn nước bảo đảm hơn để sản xuất, sinh hoạt chứ đừng đưa nguồn nước thối từ sông Nhuệ về đây, người dân nghèo chúng tôi không có tiền để đi chữa bệnh đâu!?”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hà Nam Lê Văn Hòa cho biết, một số công nhân sức khỏe yếu phải trực 24/24h đã bị ngất xỉu vì mùi nước bơm lên. Tình trạng ô nhiễm nước có từ hàng chục năm nay nhưng năm nay mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn các năm khác. Nếu ngừng bơm nước, 32.000ha lúa của người dân sẽ bị ảnh hưởng nên các cơ quan chức năng cần điều chỉnh lịch lấy nước cho Hà Nam thêm thời gian để phục vụ cho người dân gieo cấy. Nước bị ô nhiễm thì chất lượng sản phẩm nông nghiệp của nông dân sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Công ty đề nghị tạm dừng không bơm nước để có cơ sở báo cáo với UBND tỉnh và từ đó tỉnh có báo cáo lên Trung ương.

Khi được hỏi liệu Khu công nghiệp Đồng Văn (xã Bạch Thượng, Duy Tiên) có phải là tác nhân gây ra ô nhiễm? Huyện cho biết kiểm tra thường xuyên, liên tục. Nguồn nước các Khu công nghiệp trên địa bàn huyện Duy Tiên không hề bị xả vào sông Châu Giang, vì vậy thông tin khu công nghiệp hay các cơ sở sản xuất là tác nhân gây ô nhiễm là không đúng.  

Bài 2 - Ô nhiễm vì đâu?

Sau khi đã loại trừ Khu công nghiệp Đồng Văn, nguyên nhân gây ô nhiễm cho sông Châu được ngành tài nguyên, môi trường và lãnh đạo tỉnh, người dân chỉ đích danh là từ… đầu nguồn, tức là từ sông Nhuệ sau khi chảy qua rất nhiều khu công nghiệp, làng nghề của thành phố Hà Nội… 


Chủ tịch UBND xã Yên Bắc Nguyễn Xuân Tình chỉ cho phóng viên mức độ ô nhiễm. Ảnh: Lê Tùng  

Không chỉ từ nước thải sinh hoạt

Sông Châu là phụ lưu của sông Nhuệ, tách ra từ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội trước khi xuôi ra sông Hồng. Tuy sông Hồng là nguồn cung cấp nước chính cho tỉnh Hà Nam nhưng phải thông qua sông Nhuệ và các trạm bơm, cống ven sông để đưa nước về điều hòa lượng nước. Trước sự tăng trưởng “nóng” của Thủ đô trong 20 năm qua, việc hệ thống sông ngòi quanh thành phố bị ô nhiễm là khó tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Hà Nam Đinh Xuân Thông khẳng định, nước sông Châu, huyện Duy Tiên của Hà Nam đã bị ô nhiễm nặng nề do nước thải từ đầu nguồn chảy về. Bằng trực quan, ai cũng có thể cảm nhận được điều này.

Theo số liệu quan trắc tại cống Nhật Tựu ngày 4.1, chỉ tiêu Amoni vượt 57,97 lần, COD vượt tới 18 lần trong khi oxy hòa tan nhỏ hơn 1,69 lần giới hạn cho phép theo QC08-MT:2015/BTNMT loại A2. Đợt ô nhiễm gần nhất kéo dài từ 4/12/2017 đến nay là đột biến, có nguy cơ nặng thêm trong những ngày tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam khẳng định: Nếu tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục kéo dài thì các nhà máy cấp nước sinh hoạt, các trạm bơm cấp nước đổ ải trên địa bàn huyện Duy Tiên, Kim Bảng sẽ phải dừng hoạt động. Như vậy, ô nhiễm của sông Châu “về” với người dân hạ lưu theo từng đợt, tức là chỉ là nước thải sinh hoạt như đồn đoán, mà chắc chắn còn “xuất phát” từ quá trình sản xuất công nghiệp và từ rất nhiều làng nghề. Hình ảnh vệt cỏ bị “nhuộm” màu đen như dầu luyn chúng tôi phản ánh ở bài trước là ví dụ điển hình. Tình trạng ô nhiễm trên chớm xuất hiện từ những năm 2000 và chỉ thật sự căng thẳng từ 2006. Trước đó, vào năm 2013, sông Châu ô nhiễm đoạn chảy qua các xã Đọi Sơn, Đinh Lý, Văn Xá, Tiên Phong của các huyện Duy Tiên, Bình Lục và Lý Nhân đã khiến cá do các hộ dân nuôi dọc sông bị chết hàng loạt. Từ đó đến nay, việc nuôi cá và quy mô nuôi cá của nhiều hộ dân đã giảm đi nhiều so với trước đây.  

Làm gì để xử lý dứt điểm?

Gần chục năm nay, từ khi mới xuất hiện tình trạng trên, rất nhiều kiến nghị của UBND và ngành tài nguyên môi trường tỉnh Hà Nam đã được gửi tới TP Hà Nội. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng nhiều lần có ý kiến nhưng chưa có kết quả. Thông tin riêng chúng tôi có được, khúc mắc vẫn nằm ở… nguồn lực!? Một chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường giấu tên cho rằng, nếu TP Hà Nội đứng ra chủ trì công việc xử lý toàn bộ theo tinh thần Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy của Chính phủ là trọn vẹn nhất. Với vị thế và nguồn lực của một thành phố lớn như Hà Nội (GDP hàng năm lên tới hơn 10 tỷ USD), hoàn toàn có thể xây dựng phương án ngăn chặn rồi sau đó tính đến dự án xử lý tổng thể với từng giai đoạn riêng biệt để giảm tải tài chính. Ngay cả câu chuyện trả lại lòng sông, không gian nhiều đoạn bị xâm phạm thô bạo, từ đó cải thiện mỹ quan cho Thủ đô cũng là một công đôi việc. Những thủ đô đẹp trên thế giới đều có không gian thoáng đãng của hệ thống sông nhỏ chảy trong nội thành.

Với đối tượng chính, trách nhiệm với nhân dân là trách nhiệm chung của mọi ngành, mọi cấp, chứ không thể phân biệt người dân Hà Nội hay người dân Hà Nam. Trên nhiều diễn đàn và nhiều nơi, nhiều lúc, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đều lưu ý mọi ngành và địa phương: Không đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường. Không đâu xa, câu chuyện của đồng bằng sông Cửu Long hiện tại cũng bắt nguồn từ khu vực thượng lưu. Dòng Mekong qua 4 - 5 quốc gia trước khi về đồng bằng sông Cửu Long. Chính hoạt động khai thác quá mức đã dẫn đến lưu lượng nước bị giảm, chưa kể ô nhiễm môi trường. Công nghiệp, mà chủ yếu là thủy điện với hàng loạt nhà máy đứng chân bên bờ sông Mekong được chỉ ra là tác nhân chính gây nên.

Dài dòng một chút như vậy để thấy rằng, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc tìm ra biện pháp hữu hiệu để giúp người dân nơi đây được sống trong môi trường trong lành. Nếu như nguồn nước không được xử lý để lâu ngày thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hệ thống nước ngầm, sẽ không thể có biện pháp cứu chữa. Khi giải quyết kịp thời thì chỉ cần trong thời gian ngắn kéo theo mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm đối với cộng đồng cũng sẽ thấp đi.  

Bài cuối - Cách nào khắc phục ô nhiễm?

Trong quá trình giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Châu, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội đôn đốc, kiểm tra các nguồn xả thải để kiểm soát từ đầu nguồn. Vậy, các cơ quan chức năng lý giải thế nào về kiến nghị của Hà Nam để giải quyết mâu thuẫn trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường gắn với cuộc sống của người dân?  


Sông Nhuệ đoạn chảy qua làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Lê Tùng.

Quy hoạch và xây trạm xử lý hơn 30% nước thải sinh hoạt

Liên quan đến vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ  sông Đáy, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm. Cụ thể, Hà Nội đã triển khai lập quy hoạch và xây dựng một loạt dự án trọng điểm như trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, trạm xử lý nước thải KCN Thạch Thất - Quốc Oai, KCN Phú Nghĩa, các nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Phú Đô… Đặc biệt, Hà Nội đã ký cam kết với tỉnh Hà Nam không mở đập Thanh Liệt trong mùa khô (từ ngày 15/10 năm trước tới ngày 15/4 năm sau) để giảm nguồn nước thải vào sông Nhuệ. Nước thải của Hà Nội sẽ được bơm ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. Đến thời điểm này, hơn 80% nước thải sinh hoạt đã được xử lý, đặc biệt hơn 30% lượng nước thải sinh hoạt (nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Nhuệ) trên địa bàn thành phố đã được xử lý; còn lại các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải, và tiếp tục triển khai một số dự án xử lý nước thải.

Sớm có cơ chế huy động nguồn lực

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết ngay sau khi nhận được báo cáo phản ánh và kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam về tình trạng nước sông Châu bị ô nhiễm nặng, nổi bọt trắng xóa. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo kiểm tra, phối hợp với Hà Nội, Hà Nam để đưa ra các giải pháp kiểm soát nước thải. Trước mắt, yêu cầu UBND TP Hà Nội tăng cường kiểm soát chặt nguồn xả thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ mở cửa lấy nước từ sông Hồng vào trong mùa cạn để điều tiết nước sông Nhuệ. “Xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là vấn đề lớn. Từ năm 2012, Chính phủ đã có Đề án xử lý nước khu vực sông Nhuệ, sông Đáy nhưng do chưa có kinh phí để triển khai nên đến nay tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bây giờ phải tìm cơ chế xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân, các nhà đầu tư. Muốn vậy phải hình thành cơ chế đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư”, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức bày tỏ.

Về lâu dài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng: Cần xem bài toán bảo vệ môi trường một cách tổng thể toàn diện, ưu tiên thực hiện Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy trong sự lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với các dự án, chương trình khác liên quan của các bộ, ngành và từng địa phương trên lưu vực. Các cơ sở sản xuất trên lưu vực xây dựng mới buộc phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và ít gây ô nhiễm. Đối với chất thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất trên lưu vực phải được xử lý, bảo đảm tiêu chuẩn mới được xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các tỉnh trên lưu vực sông cũng phải vào cuộc ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như đổ rác thải, phế liệu bừa bãi, lấn chiếm dòng sông nhằm ổn định dòng chảy phù hợp với quy luật tự nhiên và hệ thống công trình thủy lợi dọc hai bờ sông. Ngoài ra, chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện biện pháp cưỡng chế các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không có biện pháp xử lý, giảm thiểu.  

Theo Chí Tuấn - Lê Tùng

Không có nhận xét nào