QUẢNG CÁO

Tin tức

Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường đại học

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách của nhà nước đã tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). Để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về thúc đẩy ĐMST, cần có các tổ chức trung gian. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, một trong những mô hình phổ biến và hiệu quả hiện nay là thành lập các trung tâm ĐMST trong trường đại học có khối ngành kỹ thuật.


Một trong những công trình với mục đích phục vụ đổi mới sáng tạo tại Đại học York,
Toronto, Canada. Ảnh: DoubleSpace Photography

Từ khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (KH và CN) được ban hành, hoạt động thúc đẩy ĐMST được lồng ghép trong các luật, quyết định, nghị định, nghị quyết, thông tư và các loại văn bản khác có liên quan đến hoạt động thương mại hóa, đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các trung tâm ĐMST trong trường đại học... Các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bước đầu tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST, trong đó doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm ĐMST trong các trường đại học được xem là trung tâm. Một số cơ chế, chính sách điển hình như: Thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), thực hiện các hình thức hỗ trợ, tài trợ doanh nghiệp thông qua quỹ; thực hiện Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam nhằm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đào tạo, hỗ trợ để nâng cấp các sản phẩm, hỗ trợ truyền đạt bí quyết kinh doanh, tư vấn nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH và CN; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập...

Để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nêu trên, cần có tổ chức trung gian với vai trò tư vấn, hỗ trợ, kết nối giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các trường đại học với các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, quỹ gọi vốn cộng đồng, huấn luyện viên... nhằm tìm kiếm nguồn lực đầu tư vào các ý tưởng công nghệ có tiềm năng thương mại hóa. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, một trong những mô hình phổ biến và hiệu quả hiện nay là thành lập các trung tâm ĐMST trong trường đại học có khối ngành kỹ thuật. Chẳng hạn, ở Mỹ rất nhiều trường đại học thành lập các trung tâm ĐMST như: Đại học Ohio, Đại học Michigan, Đại học Texas… Ở nước Anh có Trường đại học Manchester thành lập công ty đổi mới sáng tạo thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng thông qua hai đơn vị trực thuộc là Trung tâm đổi mới sáng tạo cung cấp hạ tầng (văn phòng, phòng lab) để hỗ trợ, ươm tạo các doanh nghiệp dựa trên công nghệ và bộ phận dịch vụ thương mại hóa tài sản trí tuệ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường thông qua việc bán, chuyển giao tài sản trí tuệ...

Việt Nam đang có xu hướng hình thành các trung tâm ĐMST cả khu vực công lập và tư nhân, chẳng hạn: Tập đoàn công nghệ CMC vừa thành lập Trung tâm ĐMST nhằm mục đích tìm kiếm, ươm tạo, đầu tư vào các ý tưởng công nghệ, kết nối cộng đồng công nghệ; Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm sáng kiến hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp. Trong hệ thống trường đại học khối ngành kỹ thuật hiện nay, việc thành lập các trung tâm này còn hạn chế, cần phát triển. Mô hình trung tâm ĐMST trong các trường đại học nên có sự kết hợp mô hình cũ là các tổ chức chuyển giao công nghệ, văn phòng li-xăng công nghệ cung cấp các dịch vụ quản lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương thảo để chuyển giao công nghệ là các kết quả nghiên cứu của trường đại học. Đồng thời, bổ sung các chức năng phù hợp xu thế ĐMST hiện nay, đó là tư vấn cho các sinh viên trong trường đại học về khởi nghiệp; hỗ trợ ươm tạo các ý tưởng công nghệ của sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ kết nối, huy động vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ gọi vốn cộng đồng, các nhà đầu tư thiên thần… cho các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường công nghệ, nhu cầu công nghệ làm cơ sở định hướng nghiên cứu cho trường đại học. Đầu vào của trung tâm ĐMST là các kết quả nghiên cứu hình thành từ các đề tài, dự án của trường được đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khác và các ý tưởng công nghệ của các sinh viên, thạc sĩ, nghiên cứu sinh, giảng viên, cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học. Về hình thức pháp lý, trung tâm ĐMST là đơn vị trực thuộc trường đại học, có con dấu, chữ ký, pháp nhân độc lập. Nhân sự của trung tâm ĐMST phải nắm chắc kiến thức pháp lý liên quan sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp ĐMST, các quy trình, thủ tục đấu thầu, có kinh nghiệm, năng lực nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, hiểu biết, nắm bắt xu hướng công nghệ.

Việc hình thành, phát triển các trung tâm ĐMST và từng bước kết nối với mạng lưới các trung tâm ĐSMT toàn cầu sẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nâng cao năng lực ĐMST, năng lực KH và CN quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo TS Phạm Hồng Quất
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN)

Không có nhận xét nào