QUẢNG CÁO

Tin tức

Cấp bách xử lý nước thải đô thị

Với đặc thù nước thải đô thị nước ta có chứa thành phần nitơ, phốt pho cao (chất gây ra tình trạng phú dưỡng, dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, đe dọa sự tồn tại của thủy sinh vật), trong khi đó, quy chuẩn về xử lý nước thải lại không đồng nhất, mỗi địa phương lại có cách xử lý nước thải theo kiểu “mạnh ai lấy làm”... một trong những biện pháp đặt ra là cần sớm có bộ quy chuẩn chung về xử lý nước thải. Bởi nếu không sớm có biện pháp ứng phó cụ thể với nguy cơ này, môi trường nước, nhất là các hồ đô thị sẽ còn gặp nhiều rủi ro và ô nhiễm…   
Thực tế báo động
Kết quả hình ảnh cho nước thải đô thị
Ô nhiễm sông Tô lịch. Nguồn Internet
Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các khu vực đô thị ở nước ta đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại, kéo theo lượng nước thải ngày càng lớn. Trong khi đó, tính đến tháng 11.2016, Việt Nam mới có 35 hệ thống xử lý nước thải tập trung đang hoạt động với tổng công suất 850.000m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng xử lý từ 12 - 13% lượng nước thải phát sinh; 90% số khu công nghiệp mới đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại phần lớn trong khoảng 5.000 làng nghề trên toàn quốc chưa có trạm xử lý nước thải…
PGS.TS. Trần Việt Nga (Đại học Xây dựng) cho biết: Kết quả phân tích chất lượng nước cũng như hàm lượng các thành phần chứa trong nước thải tại các ao hồ ở nhiều đô thị trên cả nước cho thấy, tổng lượng nitơ, phốt pho ở các sông, hồ ở nước ta tương đối cao, vượt nhiều lần mức cho phép nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng phú dưỡng trên các sông ngòi, ven biển, đặc biệt là trong các hồ chứa tại khu vực đô thị thời gian gần đây. Đơn cử, tại Hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt), các hồ Văn Quán, Hồ Tây (Hà Nội) cách đây không lâu, hiện tượng tảo nở hoa đã làm chết cá đã xảy ra. Nguyên nhân được xác định sau khi xét nghiệm mẫu nước ở các ao hồ này là do hàm lượng ni tơ, phốt pho trong nước khá cao, vượt nhiều lần ngưỡng cho phép. 
Kết quả hình ảnh cho nước thải đô thị chết cá hồ tây

Nhiều ao hồ ở các đô thị đã bị ô nhiễm trầm trọng  

Cần có quy chuẩn thống nhất
 Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước mới xử lý được hơn 10% tổng lượng nước thải đô thị.
Thực tế, trong vài thập kỷ trở lại đây, nhiều công trình xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam. Tuy nhiên các công nghệ áp dụng phổ biến dựa trên quá trình sinh học truyền thống, chủ yếu nhằm loại bỏ các chất rắn không tan, chất hữu cơ và vi sinh vật gây bệnh trong nước thải. Mặc dù các chỉ tiêu về chất dinh dưỡng đã được quy định trong các quy chuẩn môi trường hiện hành về xả nước thải đô thị và công nghiệp, nhưng với thực trạng các hệ thống xử lý không có công trình loại bỏ ni tơ, phốt pho nên trong nhiều trường hợp không đạt yêu cầu xả thải, gây lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư, và giảm hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường. Đơn cử bài học về việc đầu tư xây dựng nhà máy nước thải ở TP Cần Thơ với công nghệ xử lý bậc 2 (loại bỏ chất thải rắn không tan và chất hữu cơ) trong khi đó nguồn tiếp cận loại A (yêu cầu phải có xử lý ni tơ) lại không có là ví dụ cho thấy sự bất cập và không phù hợp giữa công tác quy hoạch, đầu tư và xây dựng dự án.
Chia sẻ về điều này, một trong những đơn vị đi đầu trong áp dụng các công nghệ mới vào xử lý nước thải hiện nay Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam TS. Ngô Phương Quý nêu thực tế: không chỉ hạ tầng kỹ thuật mà cả các quy định pháp lý cũng chưa theo kịp sự gia tăng của nước thải có nồng độ ni tơ và phốt pho cao. Cụ thể, hạ tầng công trình xử lý nước thải còn thiếu, nhiều hệ thống có công nghệ chưa phù hợp, chưa chú trọng để xử lý ni tơ, phốt pho. Bên cạnh đó, đặc tính nước thải vốn phức tạp gồm nhiều hỗn hợp (nước mưa, nước bề mặt, nước thải, nước ngầm và mang đặc điểm của từng đô thị)… Trong khi đó, hệ thống quy chuẩn có nhiều, song lại không đồng nhất; tiêu chuẩn trong kiểm soát chất lượng nước cũng còn nhiều bất cập; năng lực và trình độ của cán bộ kỹ thuật trong các khâu thiết kế, vận hành công trình thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng nhu cầu thực tế… Đặc biệt, việc xử lý ni tơ, phốt pho gần như chưa được đề cập trong bất kỳ quy chuẩn nào về xử lý nước thải… Điều này đã gây khó cho các nhà thầu, chủ đầu tư phải loay hoay trong quá trình áp dụng các công nghệ mới vào xử lý nước thải…
Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền Lê Thanh cho biết: Hiện nay ở các nước phát triển như Mỹ, Anh… đã cấm sử dụng chất phốt phát đưa vào trong bột giặt. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, chất này vẫn chiếm một hàm lượng đáng kể trong các loại bột giặt, vì vậy lượng chất phốt pho trong nước được thải ra các sông suối, ao hồ khá cao. Hệ lụy của nó chính là hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư do ăn phải nguồn nước ô nhiễm… Ông Lê Thanh cho rằng: Chính việc “dễ dãi” trong quá trình thẩm định, phê duyệt, cho phép các nhà máy vô tư vận hành, trong khi lượng nước thải lại không được kiểm soát… đã khiến chúng ta  đang phải trả giá, đó là hàng loạt các ao hồ ở hầu hết các đô thị thời gian gần đây đều bị ô nhiễm, chứa hàm lượng nitơ, phốt pho vượt ngưỡng cho phép, hiện tượng phú dưỡng ở nhiều ao hồ đã xảy ra… Vấn đề đặt ra là các ngành chức năng cần sớm ban hành bộ quy chuẩn Việt Nam cho các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung, trong đó chú trọng quy định về xử lý các thành phần ni tơ, phốt pho.  
Hải Thanh 
Nguồn: 
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=388132

Không có nhận xét nào