Thanh Hóa tái cơ cấu nông nghiệp
Sau hơn 3 năm triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương của Thanh Hóa đã tích cực tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng, bền vững. Cùng với đó là chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Kết quả, hàng loạt mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Gia đình ông Lê Văn Tụng, thôn Thượng Vôi, xã Xuân Hòa (huyện Thọ Xuân) trước đây chỉ canh tác các cây trồng truyền thống như: Ngô, lạc, hiệu quả kinh tế không cao. Vụ đông xuân 2016 - 2017, thực hiện chủ trương của xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sau khi được cán bộ khuyến nông của xã hướng dẫn, ông Tụng mạnh dạn đưa giống khoai tây Marabel vào trồng. Sau 3 tháng cây khoai tây đã cho thu nhập cao hơn hẳn các loại cây trồng truyền thống trước đây. Ông Lê Văn Tụng cho biết: Được huyện hỗ trợ về giống, ngay trong vụ đầu tiên đã thu được 3,5 tấn khoai, thu gần 23 triệu đồng.
![]() Mô hình trồng cây dưa chuột ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc |
Vụ đông xuân 2016 - 2017 này, 15ha cánh đồng màu đất bãi của các thôn Trung Thành 1, Trung Thành 2, Thượng Vôi, xã Xuân Hòa đã được chuyển từ trồng mía, ngô sang trồng khoai tây Marabel. Kết quả, năng suất bình quân 1ha đất bãi được chuyển đổi sang trồng khoai tây đạt 24 tấn/vụ, với giá bán 6.500 đồng/kg, 1ha cho doanh thu 156 triệu đồng, trừ chi phí lãi 64 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng mía và ngô trước đây.
Trên cánh đồng trồng dưa chuột được chuyển đổi từ đất lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Chinh, xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, chủ hộ vui mừng cho biết: Cây dưa chuột đã đem về cho gia đình lợi nhuận không tưởng. Nếu trước đây, với 6 sào canh tác lúa, lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đạt 6 triệu đồng/vụ, thì với cây dưa chuột lợi nhuận đạt tới hơn 60 triệu đồng/vụ. Thấy được hiệu quả kinh tế đem lại, mô hình nhanh chóng được bà con nông dân nhân rộng trên địa bàn xã.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm, như: Vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, vùng sản xuất mía, sắn, cói... Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị cao hơn. Đồng thời, xây dựng cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được phổ biến và nhân rộng.
Hỗ trợ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm
Tính từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi được trên 9.000ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng khác, lợi nhuận tăng ít nhất 20% so với trồng lúa. Một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, như: Ớt cao gấp 7 - 10 lần, dưa xuất khẩu, khoai tây Marabel cao gấp 3 - 5 lần… Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã chuyển đổi hơn 2.000ha mía đồi dốc cao, mía ruộng hiệu quả thấp sang trồng ngô, dứa, cam, cây lâm nghiệp.
|
Trước đây, trên địa bàn huyện Triệu Sơn thật khó để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ vào chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, chỉ trong 2 năm (2015 - 2016) đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp đầu tư liên kết với bà con nông dân sản xuất nông nghiệp, với diện tích lên tới hơn 200ha. Huyện Thiệu Hóa đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa, với diện tích lên tới gần 400 ha. Ngoài ra, nhiều mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được nhân rộng, như: Liên kết với Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt sản xuất khoai tây vụ đông, với diện tích 100ha, năng suất bình quân ước đạt 20 tấn/ha, giá trị đạt 140 triệu đồng/ha/vụ; liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng hơn 400 ha ngô ngọt, năng suất bình quân đạt 125 tạ/ha, doanh thu đạt 48 - 50 triệu đồng/ha/vụ.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành một loạt cơ chế, chính sách khuyến khích, như: Hỗ trợ xây dựng vùng thâm canh lúa, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các xã miền núi; phát triển rau an toàn tập trung; mua máy thu hoạch mía và hệ thống tưới mía mặt ruộng; hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; sản xuất tập trung quy mô lớn; hỗ trợ liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp.
Cùng với các chính sách hỗ trợ về lĩnh vực trồng trọt, Thanh Hóa cũng ban hành chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Theo đó, các trang trại chăn nuôi tập trung đủ điều kiện theo quy định sẽ được nhận 100% kinh phí xây dựng, nhưng không quá 300 triệu đồng/khu đối với miền xuôi và 350 triệu đồng/khu đối với miền núi. Từ khi có chính sách hỗ trợ, các địa phương đã thực hiện quy hoạch quỹ đất cho xây dựng trang trại quy mô lớn, trong đó không ít huyện đã chủ động thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại.
KHÁNH DUY
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=82&NewsId=390894
Không có nhận xét nào