Tìm giải pháp hiệu quả nhất, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu
Phát biểu của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh NGUYỄN THIỆN NHÂN
Kính thưa Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Kính thưa Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới,
Kính thưa các vị Lãnh đạo Nghị viện, các vị Trưởng đoàn,
Thưa quý vị đại biểu,
Kính thưa Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới,
Kính thưa các vị Lãnh đạo Nghị viện, các vị Trưởng đoàn,
Thưa quý vị đại biểu,
Hôm nay, lần đầu tiên, TP Hồ Chí Minh rất vinh dự được chọn là địa điểm tổ chức “Hội nghị IPU khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuyên đề Ứng phó biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và QH Việt Nam phối hợp tổ chức. Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, tôi xin gửi đến toàn thể quý vị đại biểu lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Kính thưa quý đại biểu,
![]() | |
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biểu | Ảnh: Hoàng Hải |
TP Hồ Chí Minh có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam và vùng Nam Bộ Việt Nam. TP là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế của cả nước và là cửa ngõ giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á.
Với diện tích tự nhiên 2.095km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, TP luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với mức trung bình của cả nước; hàng năm đóng góp khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách, hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Về cơ cấu ngành trong GRDP, dịch vụ chiếm 53,6%, công nghiệp và xây dựng chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,8%.
Do sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, an ninh, an sinh xã hội. Về điều kiện tự nhiên, TP Hồ Chí Minh nằm ở cửa sông Sài Gòn - Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây phải đối mặt với thách thức mới mang tính thời đại, đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.
Qua đánh giá các yếu tố gây ra biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nhận định các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP Hồ Chí Minh sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn, nước biển dâng đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TP.
Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép trên nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp. TP Hồ Chí Minh đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các TP trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu); tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. TP Hồ Chí Minh hiện đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. TP cũng hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản trong chương trình phát triển TP phát thải carbon thấp và với TP Rotterdam, Hà Lan, trong “Chương trình TP Hồ Chí Minh phát triển về hướng biển thích ứng với biến đổi khí hậu”. Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam, trong đó yếu tố bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân là một thành tố quan trọng hàng đầu.
Kính thưa quý đại biểu,
Hội nghị IPU chuyên đề “Ứng phó biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” hôm nay với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo QH, các nhà lập pháp là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Đây là cơ hội để TP Hồ Chí Minh mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau.
Tôi mong rằng, bên cạnh việc tăng cường giao lưu, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, các TP, Hội nghị lần này còn là kênh kết nối thông tin hiệu quả nhằm hướng đến sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, chung sức cùng nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tôi tin tưởng rằng với sự quyết tâm cao, trách nhiệm và hành động của quý vị - các nhà lập pháp, những ý tưởng, đề xuất từ Hội nghị sẽ thành hiện thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu.
Tôi chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Chúc Liên minh Nghị viện Thế giới ngày càng có nhiều đóng góp to lớn và ý nghĩa hơn nữa cho sự phát triển bền vững chung của nhân loại!
Chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và có những ngày lưu lại đáng nhớ tại TP Hồ Chí Minh xinh đẹp, năng động và hiếu khách của chúng tôi!
Chân thành cảm ơn quý vị đại biểu.
Nguồn:
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=69&ItemId=390023&GroupId=2949
Không có nhận xét nào