QUẢNG CÁO

Tin tức

TP Hồ Chí Minh: Tìm vật liệu thay thế cát xây dựng

Trước tình trạng giá cát tăng “phi mã”, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu chính quyền các địa phương trên địa bàn chống tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Chính quyền TP cũng giao Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm loại vật liệu mới có thể thay thế cát sông.

Chủ thầu khốn đốn


Những tháng gần đây, giá cát tại thị trường TP Hồ Chí Minh liên tục ở mức cao, nguồn cung khan hiếm, khiến các nhà thầu xây dựng “đỏ mắt” tìm kiếm nhưng vẫn không đủ vật liệu để thi công. Giám đốc Công ty kinh doanh địa ốc Cát Tường Nguyễn Thanh Liêm cho biết, giá cát tăng “phi mã” trên 100% ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty. Theo ông Liêm, trước khi bắt tay xây dựng, nhà thầu thường thỏa thuận về giá nguyên vật liệu với chủ đầu tư và người dân. Lúc chuẩn bị tập kết cát thì giá đột nhiên tăng vọt, nhà thầu trở tay không kịp, chấp nhận đứng trước nguy cơ thua lỗ. Để giảm bớt chi phí đầu vào và bảo đảm tiến độ công trình, chủ thầu chỉ đạo công nhân pha trộn các loại cát với nhau. Cát vàng pha với cát đen nhiễm mặn với tỷ lệ 50:50, hy vọng hạ giá thành. Tuy nhiên, việc trộn lẫn này lại dễ khiến công trình giảm chất lượng, nhanh xuống cấp.

Cũng “đứng ngồi không yên”, Giám đốc Công ty xây dựng Kiêm Hoàn (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Trường An than thở, hai tháng nay Công ty chưa ký được hợp đồng nào vì thiếu nguồn cung cát. Theo ông An, các mỏ cát tại TP Hồ Chí Minh tập trung ở quận 9, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, do các địa phương này giáp sông Sài Gòn, Đồng Nai. Tuy nhiên, các mỏ này cũng hoạt động cầm chừng, một vùng rộng lớn từ ngã ba Đèn Đỏ đến cầu Đồng Nai, nơi được xem là “mỏ vàng lộ thiên” đã bị cấm khai thác. Điều đáng nói, do nguồn cung hiếm nên chủ mỏ cát tha hồ nâng giá, ưu tiên bán cát số lượng lớn cho các mối làm ăn thân tín, lâu năm.


Bùn nạo vét trên các kênh rạch đang được nghiên cứu để trở thành vật liệu thay thế cát sông. Ảnh: Tuấn Nguyên  

Cũng giống như nhiều nhà thầu khác, ông An dự tính mua cát từ các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận. Tuy nhiên, lo ngại chi phí xe tải chở cát vào TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục đội giá lên quá cao. “Người dân và chủ đầu tư đang tính toán hoãn các dự án xây dựng nhà ở, hy vọng đến cuối năm hoặc qua năm 2018 giá cát lại xuống”, ông An cho biết.

Tro xỉ và bùn nạo vét sẽ được chế biến thành cát!?

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, năm 2015 nhu cầu cát chỉ khoảng 92 triệu m3, nhưng đến năm 2020 sẽ tăng lên 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng trữ lượng tài nguyên cát của cả nước chỉ đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn. Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính cho ý kiến về việc nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia, để giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay.

Nguồn cát sông ở nước ta đang ngày một cạn kiệt, đồng thời mức độ khai thác cát vượt quá trữ lượng. Cuối tháng 6.2017, Chính phủ chỉ đạo siết chặt hoạt động cấp phép mới dự án nạo vét, khai thác cát. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có công văn chỉ đạo các quận, huyện tăng cường quản lý, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường cát. Sở Khoa học - Công nghệ TP được giao chủ trì phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu, thử nghiệm loại vật liệu mới có thể thay thế cát sông.

Là người sớm thử nghiệm các loại vật liệu mới cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển, TS. Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN - PTNT) cho biết, việc thiếu hụt nguồn cát xây dựng là thách thức chung của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dòng sông chảy vào đất nước hiện nay đều gánh thủy điện nằm phía đầu nguồn, đặc biệt ở Lào, Campuchia, phía Bắc có các thủy điện của Trung Quốc. Do thủy điện chắn nguồn nước nên lượng cát bổ sung cho các dòng sông bị hạn chế, dẫn đến mất cân bằng hệ sinh thái và nguồn cát.

Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu nhằm tìm nguồn vật liệu mới thay thế cát. Trong đó, có việc xây dựng các nhà máy nghiền đá ra sản phẩm nhỏ, hình dạng như cát, bán ra thị trường với kinh phí chấp nhận được. Phương án thứ hai là lấy cát từ biển. Tuy nhiên, bờ biển nước ta đang bị xói lở, xâm thực mạnh, muốn khai thác phải ra tận ngoài khơi xa chứ gần bờ thì nguy cơ sạt lở đe dọa cuộc sống người dân. Phương án này ít khả thi.

Trong nhiều phương án, các nhà khoa học đang đặc biệt chú ý cách tận dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện. Thực tế, nhiều nước đã thực hiện cách này hàng chục năm trước. “Ở nước ta hiện có 19 nhà máy nhiệt điện, trung bình mỗi năm xả ra khoảng 20 triệu tấn xỉ. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ tái sử dụng được khoảng 1/2 số tro xỉ này. Đáng tiếc hơn nữa, giá thành của loại phế thải này gần như cho không, chủ yếu tính công chi phí vận chuyển, xử lý”, TS. Tô Văn Thanh cho biết.

Cũng theo TS. Tô Văn Thanh, ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản và Trung Quốc, do thiếu hụt cát sông phải tận dụng khai thác bùn nạo vét các tuyến kênh rạch để chế tạo ra cát (bùn nạo vét này ở đồng bằng sông Cửu Long trữ lượng rất nhiều). Họ bỏ tiền xây dựng nhà máy, nghiên cứu chế tạo bùn, pha trộn với chất phụ gia, xi măng để cho “ra lò” sản phẩm có chức năng y như cát thật.

Được biết, các doanh nghiệp chuyên về khoa học - công nghệ trong nước đã nghiên cứu cách chế tạo vật liệu mới này nhưng đang thí điểm ở quy mô nhỏ, có thể trong tương lai sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, sau khi có đề xuất từ Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Công thương, cuối năm 2016 Chính phủ đã ra nghị định về tận dụng tro xỉ nhiệt điện để tái chế sử dụng.

Tuấn Nguyên
Nguồn:
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=82&NewsId=394017



Không có nhận xét nào