ĐÂU LÀ MẤT MÁT VÀ THIỆT HẠI CỦA VIỆT NAM TRƯỚC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?
Tôi sinh ra vào mùa đông, có lẽ vì vậy mà đặc biệt thích mùa đông. Tôi nhớ rằng khi mình còn bé, khoảng cuối những thập niên 90, tôi thường háo hức đến ngày giỗ ông nội mình. Bởi lẽ ngày giỗ ông tôi cũng là những ngày đầu đông. Trong ký ức non nớt của mình, tôi thường nhớ mình đã vui sướng biết bao khi cơn gió lạnh đầu mùa tràn về, xúng xính trong chiếc áo len mẹ tôi đan cho. Thế nhưng, càng lớn thì cái ngày tôi được mặc áo len trong hôm giỗ ông càng lùi xa. Tôi lờ mờ hiểu rằng ngày mùa đông đến đã muộn hơn. Liệu có phải vì thời tiết đã thay đổi? Mãi đến sau này tôi mới hiểu đúng là như vậy. Khí hậu đã đổi thay. Trong tôi dường như có một điều gì đó chùng xuống, cảm xúc thật khó tả.
Đó là vấn đề của cá nhân tôi nhưng mở rộng vấn đề ra một chút, khi đặt ra câu hỏi “Đâu là mất mát và thiệt hại của Việt Nam trước biến đổi khí hậu?”, tôi lại muốn đặt câu hỏi ngược lại: “Chúng ta có gì để mà mất, mà thiệt?”.
Với sức mạnh của truyền thông truyền thống và hiện đại, Biến đổi khí hậu có lẽ là một cụm từ chẳng còn xa lạ với nhiều người ở Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.
Biết bao nhiêu năm nay, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên triệt để, tận dụng tối đa thiên nhiên đã hằn sâu thành thói quen. Ngạn ngữ có câu: “Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”. Chính hành vi triệt hạ thiên nhiên của con người đã dẫn đến thiên nhiên thay đổi, đến lúc thiên nhiên bị buộc phải thay đổi thì chúng ta lại kêu gào rằng mình bị tác động bởi sự biến đổi ấy. Thật là “vừa ném đá, vừa la làng”.
Hai hình ảnh đối lập ở Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ảnh trên: Bãi Khem, một trong những bãi biển đẹp nhất Châu Á. Ảnh dưới: Bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm nặng nề. Ảnh: Tác giả.
Tự nhiên là một thực thể độc lập, khách quan, chúng ta không thể chế ngự nó. Hãy học cách sống hòa hợp với nó và nương theo nó. Đừng nghĩ rằng chúng ta xây nhà máy thủy điện, đê, đập thành công là chúng ta đã chế ngự được thiên nhiên. Đừng nghĩ rằng chúng ta khai thác được nhiều than đá, dầu lửa mà nghĩ rằng chúng ta đã làm chủ được thiên nhiên. Đừng nghĩ rằng chúng ta lấp sông, hồ, ao để xây hạ tầng là chúng ta đã khuất phục được thiên nhiên. Sông, hồ, than đá, khoáng sản, …v.v. tất cả đều là tài sản của tự nhiên, là công sức của thiên nhiên, chúng ta không sở hữu gì, không có công gì trong việc tạo ra nó cả.
Nguyễn Bính, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam có viết rằng: “Nắng mưa là chuyện của trời”. Đúng là như vậy! Thiên nhiên có mùa mưa, mùa khô, thiên nhiên có hạn hán, có lũ lụt, có bão tố, có sóng thần. Thiên nhiên là một khu phức hợp, đan cài của nhiều yếu tố đối lập: dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ, xinh đẹp và xấu xí, đỏng đảnh và vững chãi, rồng phượng và rắn rết, trắng và đen, thiên thần và ác quỷ. Việc của chúng ta là thích ứng cao nhất với khu phức hợp ấy mà thôi.
Trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở đầu bài: “Đâu là mất mát và thiệt hại của Việt Nam trước biến đổi khí hậu?”. Tôi nghĩ rằng, câu trả lời chính là: “Học phí”. Chúng ta đã phải trả một học phí quá đắt, phải tốn quá nhiều tiền, phải đi một quãng đường quá xa để nhận ra rằng chính chúng ta, chứ không phải ai khác, đã khiến tự nhiên này thay đổi và rồi “mặt dày” nói rằng mình bị ảnh hưởng. Đừng “gắp lửa bỏ tay người” nữa, tiền trả học phí đã tiêu hết rồi. Hãy chuẩn bị với tâm thế sẵn sàng rằng: tự nhiên đã, đang và sẽ còn thay đổi, hãy cứ bình tĩnh, nương theo tự nhiên mà sống!
Nguyễn Minh Hiếu
Trung tâm Khởi nghiệp Xây dựng NUCETECH
Không có nhận xét nào