QUẢNG CÁO

Tin tức

Hệ thống trách nhiệm xã hội (CSR)- mẫu hình kinh doanh trong thời đại mới

Gia nhập WTO, cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải chấp nhận cách thức kinh doanh phổ quát toàn cầu bằng việc tuân thủ hệ thống trách nhiệm xã hội. Theo bà Lyndon Haviland - cố vấn cấp cao về Truyền thông Chiến lược của Liên Hợp Quốc, đó là một hướng đi hữu ích để Việt Nam hội tụ cả sức mạnh cứng và mềm cho mục tiêu phát triển bền vững.
Tuần Việt Nam
 có cuộc trò chuyện với bà về chủ đề đang được giới doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.
CSR: Con đường hữu ích cho mục tiêu phát triển bền vững
- Bà có thể mô tả thế nào về hệ thống trách nhiệm xã hội?
Trong hoạt động kinh doanh truyền thống, kinh doanh chỉ đơn thuần là kiếm tiền. Ngày càng hiều công ty mọc lên và toàn cầu hóa xuất hiện. Lúc này, kinh doanh phải tính đến các thành viên và chủ thể của doanh nghiệp và xã hội. Hệ thống trách nhiệm xã hội (Corporate social responsibility - CSR) là một cách tư duy kinh doanh khác với truyền thống, nó thúc đẩy việc làm giàu song song với những việc đúng đắn. Kinh doanh là kiếm tiền, nhưng đồng thời, nó phải chú ý tới mọi ảnh hưởng của nó về mặt con người, về xã hội, môi trường, các tiêu chuẩn...
CSR với Chính phủ là sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, không tham nhũng, đạt được một số tiêu chuẩn về nhân quyền, trách nhiệm giải trình đối với thực tiễn toàn cầu, các tiêu chuẩn về lao động toàn cầu, an toàn trong sản xuất. Đứng từ góc độ của chính phủ, Việt Nam cần tham gia các tiêu chuẩn ở phạm vi toàn cầu để thu hút các tập đoàn toàn cầu. Khi các tập đoàn đó tới Việt Nam, họ sẽ có thể hiểu các tiêu chuẩn ở đây và đạt được tiêu chuẩn tối thiểu.
CSR là một chứng chỉ để hoạt động, nó quan tâm về ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh lên vấn đề nhân quyền, môi trường và xã hội. Đây là một mẫu hình kinh doanh trong thời đại mới và là nền tảng cho sự phát triển thương mại bền vững. Trong một chừng mực khác, CSR là cách thức kinh doanh phổ quát toàn cầu.
- Vậy đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, chính phủ sẽ phải làm gì để buộc các doanh nghiệp thực hiện CSR?
Các bạn có một môi trường pháp luật tốt, nhưng chưa có các biện pháp chế tài đồng bộ. Do đó, tôi nghĩ việc đầu tiên các bạn cần làm là nâng cao nhận thức về CSR, mà trước tiên là từ chính phủ.
Điều thứ hai mà chính phủ Việt Nam có thể làm là chống tham nhũng. Môi trường pháp luật tốt mà vẫn tồn tại tham nhũng có nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả.
Sẽ vô cùng hữu ích khi lãnh đạo và người dân cùng chống tham nhũng. Chính phủ không thể có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng người lao động lại có mặt khắp nơi trong các nhà máy, xí nghiệp, công sở. Họ nên được tạo điều kiện để cung cấp thông tin tới các cơ quan trách nhiệm xã hội về tình hình ô nhiễm mà các nhà máy gây ra đối với các dòng sông, hoặc điều kiện làm việc tại nhà máy không đảm bảo.
Người lao động nên ý thức được rằng những việc sai trái phải được báo cáo, hoặc thông tin tới các cơ quan chức năng. Tại Mỹ có luật "whistle blower" (tạm dịch "người thổi còi"), theo đó, doanh nghiệp nào bị "thổi còi" là một việc chẳng hay ho gì.
- Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam không dư giả. Mà để thực hiện CSR, đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và phải có thực lực tài chính. Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để thuyết phục được họ theo đuổi CSR?
Trong tiếng Anh có câu thành ngữ: "Từng xu đắn đo, việc to lại hoang phí", có nghĩa là bạn tiết kiệm cho tương lai gần, nhưng bạn lại tốn kém rất nhiều trong tương lai lâu dài. Với luật "người thổi còi", có thể bạn mới chỉ đủ tồn tại. Nhưng điều bạn cần làm là thay đổi văn hóa kinh doanh, để từ đó, doanh nghiệp nào thành công thì đó chính là doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, thực hiện theo các tiêu chuẩn.
Bà Lyndon Haviland. Ảnh: Thu Lượng
Với các doanh nghiệp nhỏ, điều họ nên LÀM là minh bạch, trung thực, lên kế hoạch dài hạn. Họ nên TRÁNH tham nhũng, nghĩ ngắn hạn. Các doanh nghiệp nhỏ đều muốn trở thành doanh nghiệp lớn hơn, và tạo ra lợi nhuận, muốn trở thành một nơi làm việc tốt. Ngay từ ban đầu, một nửa trong số bản kế hoạch của bạn - hãy tự hỏi bản thân mình - rằng đâu là giá trị cốt lõi trong công việc kinh doanh của mình? Đó chính là CSR.
- Theo bà, Việt Nam có thể xây dựng và tăng cường nhận thức của người dân về môi trường qua CSR bằng cách nào?
Việc mà các bạn cần phải làm là đào tạo cho chính những người hoạch định chính sách. Nhưng trong thời gian ngắn hạn, việc này có ý nghĩa rất quan trọng nếu các bạn muốn Việt Nam có môi trường kinh doanh và điểm đến của hoạt động đầu tư "tốt". Cùng lúc đó, có rất nhiều việc có thể triển khai - từ việc giáo dục như nâng cao nhận thức của độc giả và những người trẻ tuổi về môi trường thông qua CSR.
Các bạn đã có danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về mặt doanh thu, lợi nhuận. Điều này là rất tốt. Nhưng sẽ là tốt hơn nữa nếu bạn chỉ cần nêu tên 2 doanh nghiệp "sạch nhất" và "xanh nhất". Và các bạn có thể để người dân gây sức ép lên doanh nghiệp bằng cách để họ biết rằng: "À, công ty này đã gây ô nhiễm cho cả một dòng sông". Tại sao tờ báo của bạn không cho đăng tải danh sách những công ty gây ô nhiễm môi trường - những công ty trong "danh sách đen" để đối lập với những công ty "xanh"?
Chúng ta có thể nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này hoặc xây dựng nên một cộng đồng, một nhóm những người có thể phân loại ra những công ty gây ô nhiễm nhiều nhất, và những công ty mà nhân viên cảm thấy hạnh phúc hoặc bất hạnh khi làm tại đó. Và tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể đưa ra top 15 công ty có công nghệ "xanh", top 15 công ty có nhân viên cảm thấy hạnh phúc nhất, 15 công ty có môi trường làm việc an toàn nhất. Tất cả là vấn đề tiêu chuẩn và ai cũng muốn mình ở trong danh sách các công ty đứng hàng đầu theo nghĩa tích cực chứ không ai muốn góp mặt trong bảng danh sách "đen".
CSR không phải là PR
- Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng PR là tăng cường nhận thức của công chúng về doanh nghiệp của mình. Bà có thể cho biết sự khác nhau giữa CSR và Quan hệ công chúng - PR?
Đây là một câu hỏi rất thú vị. Chúng ta có thể tìm hiểu qua ví dụ sau. Một công ty sản xuất bút ở một ngôi làng nhỏ thu được lợi nhuận, họ tài trợ cho một ngôi trường ở đó khoảng 100USD. Nhưng họ dành ra 500USD để quảng bá rằng: Ồ, chúng tôi là những công dân tốt vì chúng tôi đã quyên tặng tiền cho nhà trường. Đó là PR - dành tặng tiền cho ngôi trường và dành hầu hết thời gian còn lại chỉ để nói về việc đó.
Còn một doanh nghiệp làm CSR sẽ nói rằng: Công việc kinh doanh của chúng tôi thúc đẩy việc sản xuất bút, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn bảo vệ môi trường của ngôi làng và cộng đồng nơi đây. Bởi vì ngôi trường này là cái nôi của công nhân cho nhà máy nên nếu người dân được giáo dục tốt thì chúng tôi sẽ có các công nhân với trình độ kỹ thuật cao hơn, và họ sẽ quan tâm nhiều hơn tới môi trường sống. Đó chính là CSR - thúc đẩy kinh doanh và cũng đồng thời thúc đẩy hoạt động từ thiện.
- Chẳng hạn, một số thương hiệu sản xuất xe máy tại Việt Nam bỏ ra rất nhiều tiền để làm các chiến dịch hướng dẫn người dân đi xe máy một cách an toàn, tuân thủ luật lệ giao thông, hoặc đội mũ bảo hiểm. Theo bà, đó là CSR hay PR?
Ví dụ này rất hay. Họ muốn bán xe máy do mình sản xuất, muốn trở thành hãng xe máy số 1 của Việt Nam nhưng đồng thời cũng muốn người dân lái xe một cách an toàn, cũng như tuân thủ luật lệ giao thông. Đó là những động cơ tốt nhưng chưa đủ. Liệu họ có muốn bán những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu, hoặc những chiếc xe ít gây ô nhiễm môi trường? Khi chúng ta đến thăm nhà máy của họ, thì những công nhân của họ làm việc như thế nào? Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường ra sao? Trừ khi họ có một tổng thể về cơ bản là an toàn - bao gồm xe an toàn, nhà máy an toàn, còn nếu không thì vẫn chưa thể được coi là tốt.
Môi trường được bảo vệ, một nơi làm việc tốt, sản phẩm tốt - an toàn, vậy thì làm thế nào để khuyến khích những doanh nghiệp khác làm điều tương tự? Nếu chính phủ của bạn có ý định cấp phép cho một hãng sản xuất xe máy khác, thì một điều họ cần làm là hỏi "kế hoạch của anh là gì?". Đi cùng với đó là "trách nhiệm doanh nghiệp của anh đối với xã hội, anh sẽ đem lại điều gì cho xã hội?".
Gia tăng sức mạnh mềm bằng trách nhiệm xã hội
- Giữa CSR và sức mạnh mềm có mối liên hệ như thế nào, thưa bà?
Sức mạnh mềm là bạn khuyến khích, thúc đẩy mọi người làm điều bạn muốn, chứ không phải là ép buộc họ. CSR tức là chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp làm những điều tốt, tán thành và duy trì các tiêu chuẩn, nhưng chính phủ không cần thiết phải ép buộc họ một cách gay gắt bằng luật pháp, quy định, cảnh sát, chế tài... Từ góc độ của sức mạnh mềm, bạn có thể đưa ra ý tưởng, và khuyến khích mọi người ưng thuận, và động viên họ để xây dựng nên không chỉ các tiêu chuẩn tối thiểu tại nhà máy mà còn mở rộng chúng. Nếu như bạn có thể truyền cảm hứng cho mọi người làm những việc tốt, hoặc trở nên sáng tạo thì đó là những điều tốt đẹp hơn mà sự liên hệ này mang lại.
Trong Hội nghị về biến đổi khí hậu vừa qua tại Copenhagen, giá mà có một quốc gia nào đó như Việt Nam đứng lên và nói rằng: chúng tôi đảm bảo các nhà máy sản xuất của chúng tôi sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm hết mức có thể trong khả năng của mình; chúng tôi sẽ tăng cường bảo vệ môi trường hơn nữa trong tất cả các công nghệ của mình. Trong bối cảnh của ASEAN, nếu Việt Nam có thể khuyến khích Indonesia hoặc Philippines với sức mạnh mềm vừa nêu, Việt Nam sẽ có thể trở thành người tổ chức các hoạt động đối phó với biến đổi khí hậu trên thế giới.
Điều này cũng rất thú vị khi bạn nhìn vào Trung Quốc - quốc gia hầu như luôn làm ngưng mọi tiến triển tại Copenhagen. Và bạn có thể nhìn thấy - một bên là Trung Quốc, và một bên là Việt Nam. Bạn sẽ thấy một Việt Nam với sức mạnh mềm thực sự phát huy tác dụng trong khu vực khi khuyến khích, và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong việc bảo vệ môi trường. Và bạn sẽ thấy gần 90 triệu người dân [Việt Nam] sẽ có "tác động" vô cùng lớn lên Trung Quốc khi mà cả ASEAN cùng bảo vệ môi trường. Trung Quốc luôn muốn có các quan hệ thương mại với từng quốc gia riêng lẻ chứ không phải với toàn bộ khu vực. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể gây ảnh hưởng lên các mối quan hệ kiểu như vậy với Trung Quốc cũng như tất cả các mối quan hệ đó, và tác động của nó sẽ rất đáng kể.
- ASEAN có một đặc điểm, do tính đa dạng của các thể chế các quốc gia thành viên rất cao, nên đôi khi sự đồng thuận đạt được chỉ ở mức thấp.
Trở lại vấn đề này, đây cũng chính là điểm mà sức mạnh mềm có thể phát huy. Với mức đồng thuận thấp thì sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất là gây ảnh hưởng - tận dụng sức mạnh từ việc gây ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, bạn có thể tác động lên người khác bằng cách chứng minh và "làm gương". Điều mà Việt Nam có thể làm là "làm gương", tán thành các quan điểm, gây ảnh hưởng, và kiên trì. Ở góc độ của quốc gia, các bạn có thể làm việc thật tốt trong lĩnh vực công nghiệp, trở thành người tiên phong và ở một số cấp độ nhất định, Việt Nam chấp thuận các tiêu chuẩn và coi đó là các ưu tiên của các bạn và tôi tin rằng các bạn sẽ tiến triển rất tốt. Và bằng cách đó, các bạn có thể thúc đẩy phương cách ASEAN.
Khi nghĩ về Việt Nam và CSR, tôi nghĩ tới một di sản dân tộc vô cùng đặc biệt của các bạn - sự tự hào về lòng yêu nước nồng nàn. Nhiều người Việt Nam tại Mỹ cũng rất tự hào về đất nước của mình. Và để Việt Nam đóng vai trò là quốc gia hàng đầu trong việc bảo vệ môi trường, tôi nghĩ là chính mỗi người dân Việt Nam cũng rất tự hào về điều đó. Các bạn cũng có thể trở thành những "tấm gương", và cũng theo cách đó, các bạn có thể thuyết phục được các thành viên khác trong ASEAN làm theo mình.
Bên cạnh đó, Việt Nam có một thế hệ trẻ vô cùng đông đảo, các bạn có thể dạy cho họ cách "đòi hỏi" và "kỳ vọng". Chúng ta có cả thế hệ trẻ không phải chỉ để tiếp tục chờ đợi. Do đó, chúng ta nên dạy cho thế hệ trẻ cũng như các chủ doanh nghiệp, thậm chí cả chính phủ về CSR. Như vậy, các bạn có tất cả các dạng sức mạnh cứng và mềm để phát triển bền vững.
Tác giả: Thu Lượng (theo tuanvietnam.net)

Không có nhận xét nào