QUẢNG CÁO

Tin tức

Màng lọc đầu mũi phòng chống độc hại từ ô nhiễm không khí

Nanoclean Global, một startup ở Ấn Độ đã sáng tạo ra một giải pháp mới chống lại ô nhiễm không khí. 


Ô nhiễm không khí ở New Dehli đang ở mức báo động, 1 trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo đánh giá của WHO. Ước tính những người dù không hút thuốc nhưng mỗi ngày đang hít tương đương khoảng 50 điếu thuốc lá. Thành phố 25 triệu dân này đang được ví von như “một căn phòng ngột ngạt đầy khí thải”.

Ô nhiễm bao trùm toàn thành phố buộc họ phải tìm ra những giải pháp khác nhau để bảo vệ sức khỏe người dân. Một trong những ý tưởng đã nhận được hỗ trợ của chính phủ Ấn Độ đó là Nasofilters của Công ty Nanoclean Global, một startup non trẻ, khởi nguồn năm 2015 từ Viện Công nghệ Ấn Độ.

Prateek Sharma, CEO 25 tuổi của startup này cho biết: Công ty họ đã phát triển ra một loại màng lọc dán ở đầu mũi có khả năng ngăn ngừa chất độc hại trong không khí đi vào cơ thể với giá rất mềm – chỉ 10 rupees, tương đương 3,600 đồng/chiếc.

Được sản xuất bằng công nghệ nano và bán ra thị trường với nhãn hiệu Nasofilters, màng lọc này sẽ dán trực tiếp vào hai hốc mũi và có hiệu quả lên đến 95% trong việc ngăn chặn PM2,5 – chất ô nhiễm nặng nhất trong không khí độc hại của thành phố có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 2,5micron có thể nằm sâu trong phổi và gây ra các bệnh về đường hô hấp và tim. PM hay còn gọi là vật chất dạng hạt, là thuật ngữ chỉ một hỗn hợp các hạt nhỏ xíu và các giọt chất lỏng tìm thấy trong không khí.


Sharma cho biết: "Bộ lọc của Nasofilters hoàn toàn khác với các sản phẩm chống ô nhiễm khác. Các mặt nạ thông thường sử dụng cơ chế lọc sâu, còn sản phẩm của anh sử dụng nhiều lớp bộ lọc. Khi một hạt chạm vào bề ngoài của mặt nạ, nó có thể thâm nhập vào bên trong và bị giữ lại bên trong một lớp lọc. Vì vậy mà sau một vài ngày sử dụng, chúng ta phải vứt nó đi, thay bằng cái mới". 

Sharma cung cấp thêm: “Khi bạn thở ra, bộ lọc này tự động làm sạch. Lớp ngoài cùng của bộ lọc này có lớp sợi nano 2D, do đó, hạt bụi không thể thâm nhập sâu vào bên trong”. Do sử dụng công nghệ nano nên độ dày của sợi vải giảm xuống khoảng 100 lần. Họ đang sử dụng chất liệu polymer phân hủy sinh học và độ dày khoảng 200 nanomet nên có thể hạn chế sự xâm nhập của PM2,5 và vi khuẩn. Nếu có thể giảm độ dày của lớp polymer thấp hơn 200 nanomet, thậm chí chúng ta có thể ngăn ngừa cả vi rút. 

Theo Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe công bố hồi tháng 10, các bệnh do ô nhiễm gây ra khoảng 9 triệu trường hợp chết trẻ trên toàn thế giới vào năm 2015, chiếm 16% tổng số ca tử vong, nhiều gấp 3 lần số người chết do AIDS, lao và sốt rét cộng lại, nhiều gấp 15 lần số người chết so với tất cả các cuộc chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Trong 9 triệu ca tử vong đó, 6,5 triệu người chết do ô nhiễm không khí.

Bộ lọc gắn ở mũi này có khả năng phân hủy sinh học, có tính kháng thở rất thấp và đang được bán với giá rất rẻ. Nguyên liệu chính bao gồm vải và polymer, đều rất rẻ khi mua với số lượng lớn. Ô nhiễm có hại đối với sức khỏe của tất cả mọi người. Đây có thể coi là một giải pháp hiệu quả với giá cả phải chăng cho nhiều người.

Nguyễn Minh Hiếu lược dịch
Trung tâm Khởi nghiệp Xây dựng NUCETECH
Nguồn: Asia Nikkei

1 nhận xét: